Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 28 tháng giêng

Thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh

lễ nhớ

Thánh Tô-ma sinh năm 1225 trong một gia đình quí phái tại đồn Rốc-ca Xíc-ca (nước Ý), và đã trải qua những năm thiếu thời tại đan viện núi Ca-xi-nô. Khi còn trẻ, Người đã chọn tu trong Dòng Anh Em Giảng Thuyết (1224) tại thành Nê-a-pô-li, trái với ý muốn của thân nhân ; đã theo học tại những học viện lớn thời ấy (Cô-lô-ni-a, Pa-ri, Rô-ma, Nê-a-pô-li), và nổi tiếng về đời sống trong trắng, triệt để trung thành với kỷ luật tu trì. Người đã thể hiện sứ vụ riêng của Dòng, tức là phục vụ Lời Chúa ; trong tinh thần khó nghèo tự nguyện, qua việc bền bỉ nghiên cứu thần học : chuyên cần khám phá Chân Lý, say sưa chiêm niệm và thông truyền cho tha nhân. Thế nên, Người đã dốc toàn lực phục vụ Chân Lý, khao khát đạt đến Chân Lý, đón nhận Chân Lý bất cứ từ đâu đến, và nôn nóng chia sẻ Chân Lý cho người khác. Người hết sức khiêm tốn và đầy tình người trong cách tiếp nhân xử thế. Người là một danh sư lỗi lạc về đạo lý, và là một nhà giảng thuyết đầy sức hấp dẫn khi trình bày các chân lý Phúc Âm. Người đã để lại rất nhiều tác phẩm súc tích sự khôn sáng của Thiên Chúa và loài người ; những tác phẩm ấy cho thấy sự hài hoà chặt chẽ giữa các chân lý mặc khải và chân lý tự nhiên.

Người rất sùng kính Chúa Cứu Thế, đặc biệt trong mầu nhiệm Khổ Nạn và Thánh Thể ; người đã soạn kinh phụng vụ tán dương mầu nhiệm Thánh Thể. Với tâm tình con thảo, Người cũng nhiệt thành tôn kính Đức Trinh nữ Ma-ri-a, Thánh Mẫu Thiên Chúa.

Người từ trần tại Phốt-xa-nô-va, ngày 7 tháng 3 năm 1274, trên đường đi dự Tổng hội tại Li-ông (Pháp). Đức Giáo Hoàng Gio-an XXII đã tôn Người lên bậc hiển thánh ngày 18 tháng 7 năm 1323. Ngày 11 tháng 5 năm 1567, Đức Pi-ô V tuyên phong Người là vị Tiến sĩ thứ năm của Giáo hội La-tinh. Ngày 4 tháng 8 năm 1880, Đức Lê-ô XIII đã đặt Người làm Bổn mạng các Đại học và Học đường Công Giáo. Theo lịch phụng vụ canh tân, lễ kính Người được mừng vào ngày hôm nay, kỷ niệm việc chuyển hài cốt Người về Tu-lu-dơ (Pháp).

Bài đọc 1     Hc 39,1b-14

Người khôn ngoan thông hiểu Lời Chúa.

Bài trích sách Huấn ca.

Người khôn ngoan ấy truy tầm lẽ khôn ngoan
nơi mọi bậc lão thành,
không ngừng nghiên cứu các sấm ngôn,
giữ gìn cẩn thận điều danh nhân đã nói,
đi sâu vào các dụ ngôn phức tạp.

Người ấy còn tìm hiểu ý nghĩa tiềm tàng
của châm ngôn
và miệt mài với những dụ ngôn bí ẩn.

Người ấy luôn thi hành nhiệm vụ
giữa những người chức trọng quyền cao
và thường xuyên xuất hiện
bên cạnh những vị cầm quyền.

Người ấy được đi ra nước ngoài,
vì đã từng biết rõ điều hay điều dở của người ta.

Từ sáng sớm, người ấy đã hăm hở
đến cầu nguyện cùng Đức Chúa là Đấng Tối Cao,
Đấng tạo dựng nên mình.

Người ấy mở miệng nài van Chúa,
cầu xin Người thứ tha tội lỗi.
Nếu đẹp lòng Đức Chúa cao cả,
người ấy sẽ dư đầy trí thông minh,
ban phát lời khôn ngoan như mưa móc tràn trề,
dùng lời kinh mà chúc tụng Đức Chúa.

Người ấy sẽ sử dụng các nhận định
và hiểu biết của mình sao cho đúng đắn,
sẽ suy gẫm những điều huyền bí cao siêu.

Người ấy sẽ làm sáng tỏ giáo huấn đã hấp thụ,
sẽ tự hào về luật giao ước của Thiên Chúa.

Nhiều người sẽ khen ngợi người ấy thông minh,
trí thông minh đó sẽ không bao giờ bị quên lãng,
hình ảnh người ấy sẽ không phai mờ
và danh thơm sẽ trường tồn qua muôn thế hệ.

Muôn dân sẽ truyền tụng đức khôn ngoan
của người ấy,
và cộng đoàn sẽ lớn tiếng ngợi khen.

Nếu người ấy sống lâu,
sẽ để lại danh thơm hơn cả ngàn người khác,
và sẽ thoả lòng khi an giấc ngàn thu.

Lòng tôi đầy ắp những suy tư
như trăng rằm đầy đặn,
đó là những điều tôi còn muốn nói ra.

Hỡi những người con trung hiếu,
hãy lắng nghe lời ta :
hãy nên như cây hồng lớn lên bên dòng nước,
như cây hương toả mùi thơm ngào ngạt,
như cây huệ trổ bông,
hãy đồng thanh cất tiếng hát lên một bài ca.

Hãy ngợi khen Đức Chúa
vì mọi việc Người làm.

Xướng đáp  Hc 24,46.47

X

Tôi truyền bá đạo lý như sấm ngôn, và để lại cho những ai kiếm tìm sự khôn ngoan,

*

cho tới thế hệ tương lai.

Đ

Hãy coi, tôi không vất vả cho riêng tôi, những cho hết thảy những ai tìm kiếm chân lý. *

Bài đọc 2 (1/3)

Luật mến Chúa là luật cho mọi hành vi nhân linh.

Trích bài giảng của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục.

Rõ ràng không phải ai cũng có thể miệt mài học hỏi, vì thế Chúa Ki-tô đã ban hành lề luật vắn gọn để mọi người có thể am tường, và không ai còn có thể viện lẽ không biết, để thoái thác. Đó là luật yêu mến Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh viết : Thiên Chúa sẽ nhanh chóng thực hiện lời trên địa cầu.

Luật này phải là qui luật cho mọi hành vi nhân linh. Như ta thấy nơi các sản phẩm công nghệ : sản phẩm nào hợp với mẫu, mới là tốt và đúng ; cũng thế, công việc của con người chỉ đúng đắn và đức độ nếu hợp với luật tình yêu của Thiên Chúa. Vậy khi nào không hợp với luật đức ái, thì hẳn là không đúng, không tốt, cũng không hoàn hảo.

Luật mến Chúa này gây nên nơi con người bốn công hiệu rất đáng ước ao.

Trước hết, luật này phát sinh sự sống siêu nhiên. Hẳn nhiền, tự bản tính đối tượng được yêu phải ở trong kẻ yêu, thế nên ai yêu mến Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở trong người ấy : Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy. Vả lại, bản tính của tình yêu là biến đổi người yêu thành đối tượng được yêu. Vậy nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa : Ai kết hợp với Thiên Chúa thì nên một tinh thần với Người.

Thánh Âu Tinh viết : “Như linh hồn là sức sống của thân xác, thì Thiên Chúa cũng là sức sống của linh hồn” ; cũng vậy, linh hồn chỉ hành động cách đức độ và hoàn hảo khi hành động vì đức mến ; nhờ đức mến này, Thiên Chúa ở trong linh hồn. Thiếu đức mến, linh hồn không hành động được : Ai không yêu mến thì ở trong sự chết. Giả như ai có mọi ơn Chúa Thánh Thần mà thiếu đức mến, thì vẫn không có sự sống ; không có đức mến, dù ơn ngôn ngữ, dù ơn đức tin, dù bất cứ ơn nào khác, như ơn nói tiên tri, cũng chẳng mang lại sự sống. Xác chết dẫu đeo vòng vàng đá ngọc vẫn là xác chết.

Công hiệu thứ hai là tuân giữ giới răn Chúa. Thánh Ghê-gô-ri-ô dạy : đức mến không nhàn cư. Có đức mến ắt sẽ làm được những việc lớn. Không hoạt động tức là không có đức mến. Quả vậy, ta thấy khi yêu, người ta làm được những việc lớn lao và khó khăn vì kẻ mình yêu. Thế nên Thiên Chúa phán : Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Ai tuân giữ giới răn và luật mến Chúa, kẻ ấy là người chu toàn lề luật.

Công hiệu thứ ba là được che chở khỏi mọi nghịch cảnh. Không nghịch cảnh nào hại được người có đức mến, trái lại còn sinh ích cho họ là đàng khác : Mọi sự đều sinh lợi ích cho những kẻ yêu mến Thiên Chúa. Lại nữa, nghịch cảnh và khó khăn dường như còn trở nên ngọt ngào cho kẻ yêu mến, như chúng ta thấy rõ nơi chính chúng ta.

Công hiệu thứ tư là đưa tới hạnh phúc. Bởi vì Chúa chỉ hứa ban hạnh phúc cho những ai có đức mến. Không có đức mến, mọi sự khác vẫn không đủ. Nên biết rằng : hạnh phúc chênh lệch chỉ tuỳ thuộc mức độ đức mến khác nhau, chứ không tuỳ thuộc nhân đức nào khác. Nhiều bậc thánh nhân sống khổ hạnh hơn các tông đồ, nhưng các tông đồ vẫn vinh phúc hơn mọi người vì có đức mến trổi vượt.

[Do những điều đã nói trên, đức mến thực hiện bốn công hiệu. Trước hết, đức mến đem lại ơn tha tội. Chúng ta thấy rõ điều này nơi chính mình. Nếu ai đã xúc phạm đến người khác, nhưng sau lại yêu mến tận tình, thì tình yêu ấy xoá bỏ được lầm lỗi lúc trước. Điều này được chứng tỏ trong trường hợp thánh nữ Ma-đa-lê-na. Chúa đã nói về thánh nữ : Tội bà ấy nhiều thật, nhưng đã được tha. Tại sao vậy ? Chúa thêm : Vì bà đã yêu mến nhiều. Hoặc nếu có ai nói : đức mến đủ để tha tội, không cần phải thống hối nữa, thì người ấy nên biết rằng : không ai yêu mến thật sự mà không thực tình thống hối.

Thứ đến, đức mến đem lại ơn soi sáng tâm hồn, như thánh Gióp đã nói : Tất cả chúng ta bị bóng đêm bao trùm, vì nhiều khi chúng ta không biết phải làm gì, ước ao gì, thì đức mến dạy ta những điều cần thiết để được cứu rỗi : Ơn Chúa Thánh Thần xức dầu dạy anh em về hết mọi sự. Sở dĩ như thế là vì ở đâu có đức mến, ở đấy có Chúa Thánh Thần, Đấng thấu suốt mọi sự, Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta vào chính lộ.

Lại nữa, đức mến làm cho con người vui sướng trọn vẹn, cùng đem lại an bình toàn hảo. Đức mến còn đưa con người lên địa vị cao, vì đức mến biến con người nô lệ thành tự do và bạn hữu. Đức mến làm cho con người không những trở thành tự do, mà còn trở nên con cái nữa, nghĩa là chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thật sự là như thế : Chính Thánh Thần chứng thực cho tâm trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là người thừa kế với Đức Ki-tô. Dầu mọi ân huệ đều bởi Chúa Cha là nguồn ánh sáng, nhưng ơn này, tức là ơn đức mến, thì trổi vượt hơn các ơn khác. Quả thật, có thể có các ơn khác mà không có đức mến và Chúa Thánh Thần, nhưng hễ có đức mến thì nhất thiết phải có Chúa Thánh Thần].

Xướng đáp

X

Nguồn mạch cao minh từ thiên giới

lai láng tuôn đổ xuống Tô-ma

tựa sông cả rạng ngời kiến thức,

người phân phát ân sủng Chúa ban.

*

Dùng tài đức dạt dào như suối

tưới vườn thiêng Giáo hội khắp nơi.

Đ

Văn thể gọn gàng, lời hấp dẫn,

kiên vững minh bạch, ý cao siêu. *

 

Bài đọc 2 (2/3)

Điều điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn sáng hơn loài người

Trích Tiểu luận thần học của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục.

Chúa Ki-tô đã chọn cha mẹ nghèo khó nhưng đầy đức hạnh, để đừng có ai tự hào chỉ vì cha mẹ phú quí giàu sang ; Người đã sống nghèo khó để dạy ta biết khinh chê của cải ; Người không màng chức tước để kêu gọi loài người đừng quá say mê hư vinh ảo vọng ; Người chịu lao nhọc, đói khát, đòn vọt trên thân xác để người đời đừng ham mê lạc thú sướng vui, rồi vì thấy khổ cực đời này mà bỏ thiện ích của nhân đức.

Cuối cùng, Người đón nhận cái chết để đừng ai vì sợ chết mà bỏ chân lý. Và Người đã chọn cái chết nhục nhã nhất, là chết trên thập giá để đừng ai sợ cái chết khổ nhục vì chân lý. Vì thế, việc Con Thiên Chúa làm người chịu chết là việc thích hợp để nêu gương khích lệ loài người sống đức nghĩa, đúng như lời thánh Phê-rô : Chúa Ki-tô đã chịu đau khổ vì chúng ta, để lại cho anh em một gương mẫu, hầu anh em dõi bước theo Người.

Giả như ở trần gian, Chúa đã sống giàu sang quyền thế và nắm giữ một chức vụ cao sang nào đó, hẳn người ta có thể cho rằng giáo thuyết và phép lạ của Người được thiên hạ đón nhận là do sự ủng hộ của người đời và do quyền bính phàm trần. Vậy để chứng tỏ đây là việc Thiên Chúa làm, thì Người đã chọn những gì trần gian khinh rẻ và cho là hèn kém nhất như : người mẹ khó nghèo, đời sống chật vật, môn đệ và sứ giả thất học. Người còn bị quyền bính thế trần ruồng rẫy, thậm chí lên án tử hình, để tỏ rõ thiên hạ đã chấp nhận phép lạ và giáo thuyết của Người là do quyền năng Thiên Chúa, chứ không do quyền lực phàm nhân.

Tuy nhiên, ở đây cần phải suy điều này nữa : theo cùng một chương trình an bài. Con Thiên Chúa làm người đã muốn nhận lấy những điều hèn kém nhất, thì Người cũng muốn các môn đệ mà Người đặt làm thừa tác viên phân phát ơn cứu độ cho nhân loại phải chịu khinh rẻ ở trần gian. Vì thế, Chúa đã không chọn những người học thức quí phái, nhưng chọn những kẻ thất học và quê mùa, tức là những người chài lưới nghèo hèn. Rồi khi sai phái họ mang ơn cứu độ đến cho nhân loại, Người đã truyền họ giữ đức thanh bần, chịu bách hại, sỉ nhục và chịu chết vì chân lý nữa, kẻo họ bị coi là giảng thuyết để trục lợi, và như thế người ta không thể gán ơn cứu độ nhân loại là do sự khôn ngoan hay thế lực trần gian, nhưng chỉ do quyền năng Thiên Chúa. Vì đó, nơi các ông – những người bị thế gian khinh bỉ – Thiên Chúa vẫn thực hiện muôn vàn điềm thiêng dấu lạ.

Đó là điều cần thiết để hồi phục nhân loại, ngõ hầu lòng người học biết phải cậy trông vào Chúa chứ đừng kiêu căng tự phụ. Đó cũng là điều kiện để con người trở nên công chính trọn vẹn, ngõ hầu con người hoàn toàn suy phục Thiên Chúa, hy vọng Người ban cho mọi ơn lành và tri ân về những gì đã lãnh nhận.

Xướng đáp     2 Tm 4,8 ; 1,12

X

Chúa là Đấng Thẩm Phán chí công, đã dành cho tôi triều thiên công chính.

*

Người sẽ trao lại cho tôi trong ngày ấy.

Đ

Tôi biết tôi đã tin ở Đấng nào. Và tôi xác tín rằng Người có đủ quyền năng để gìn giữ kho báu của tôi. *

 

Bài đọc 2 (3/3)

Thánh giá không thiếu một gương nhân đức nào

Trích bài giảng của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục.

Con Thiên Chúa có cần phải chịu đau khổ cho ta không ?

Cần lắm, và có thể tóm tắt trong hai lý do : một là để chữa ta khỏi tội, hai là để làm gương ăn ở cho ta.

Để chữa ta khỏi mọi sự dữ mà ta mắc phải vì tội lỗi, ta gặp được linh dược nhờ việc Chúa chịu khổ nạn.

Những việc Chúa chịu nạn cũng có ích không ít để làm gương cho ta, hầu ta được gương mẫu giá trị cho tất cả cuộc đời. Quả vậy, ai muốn sống cho hoàn hảo, chẳng cần làm gì khác ngoài việc khinh chê những gì Đức Ki-tô đã khinh chê trên thập giá, và ao ước những gì Người đã ao ước. Bởi vì thánh giá Chúa không thiếu một gương nhân đức nào.

Nếu bạn muốn tìm một gương bác ái, thì này chẳng ai có lòng bác ái nào lớn hơn người thí mạng sống mình cho bạn hữu. Đó là điều Đức Ki-tô đã làm trên thập giá. Vậy nến Người đã thí mạng sống Người cho ta, thì ta đâu còn nặng nề nữa khi phải chịu đau khổ vì Người.

Nếu bạn muốn tìm gương kiên nhẫn, thì trên thập giá có sự kiên nhẫn hơn hết. Quả vậy, có hai lý do khiến sự kiê nhẫn trở nên lớn lao : hoặc là vì người ta phải kiên nhẫn chịu sự đau khổ lớn lao, hoặc là vì người ta muốn chịu những đau khổ có thể tránh được mà người ta đã không tránh. Thế mà Đức Ki-tô, trên thập giá, đã chịu những đau khổ lớn lao mà vẫn kiên nhẫn, bởi vì “khi bị sỉ vả, Người không đe loi ; như con chiên bị dẫn vào lò sát sinh, Người không hề mở miệng”. Sự kiên nhẫn của Chúa trên thập giá thật là vĩ đại. Nên chúng ta hãy kiên nhẫn chạy vào cuộc chiến đang chờ đợi ta, mắt nhìn thẳng vào Đức Giê-su là Đấng viên thành và khơi nguồn đức tin. Người đã khước từ vui sướng chờ đợi Người, cam chịu khổ hình thập giá, không quản thẹn thuồng xấu hổ.

Nếu bạn muốn tìm gương khiêm nhường, hãy nhìn Chúa chịu đóng đinh ; Người là Thiên Chúa, thế mà Người đã muốn chịu xử dưới thời Phi-la-tô và chịu chết.

Nếu bạn muốn tìm gương vâng phục, thì chỉ có việc theo Đấng đã trở thành người vâng phục Chúa Cha cho đến chết ; cũng như bởi tội của một người là A-đam, mọi người trở nên tội nhân thế nào, thì nhờ sự vâng phục của một người, mọi người cũng đã được trở nên công chính như thế.

Nếu bạn muốn tìm gương khinh chê của cải trần gian, thì chỉ cần chạy theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa, nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông thái ; thế mà trên thập giá, Người đã nên trần truồng, bị chế diễu, bị nhổ vào mặt, bị đập đánh, chịu đội vòng gai và uống mật đắng với dấm chua. Thế nên bạn đừng bám víu vào y phục và của cải nữa, vì họ đã chia nhau áo xống của Ta ; cũng đừng bám víu vào vinh dự nữa, vì Ta đã chịu sỉ nhục đập đánh ; và đừng mê say chức tước, vì họ đã quấn vòng gai gõ xuống đầu Ta ; và đừng mê mẩn vui thú, vì khi Ta khát, họ đã cho Ta uống dấm chua.

Xướng đáp   Kn 7,7-8 ; 9,17

X

Tôi ao ước và đã được Chúa ban cho khôn ngoan. Tôi cầu xin và thần trí khôn ngoan đã đến trong tôi.

*

Tôi quí đức khôn ngoan hơn phủ việt ngai vàng, và so với khôn ngoan, tôi đã coi của cải là không.

Đ

Lạy Chúa, ai biết được ý định của Chúa, nếu chính Chúa không ban khôn ngoan và gửi thần trí của Chúa từ trời cao xuống ? *

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Tô-ma nên gương mẫu tuyệt vời trong việc vun trồng đời sống thánh thiện và lòng yêu mến thánh khoa. Xin giúp chúng con thấu hiểu những điều người dạy và bước theo đường người chỉ vẽ. Chúng con cầu xin