Ngày 30 tháng 4
Thánh Pi-ô V, giáo hoàng
lễ nhớ
An-tô-ni-ô Ghít-li-ê-ri sinh tại Bốt-xô, gần A-lê-xan-ri-a, nước Ý, năm 1504. Lớn lên, Người gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết và đổi tên là Mi-ca-e (1520). Thụ phong linh mục năm 1528, Mi-ca-e nhận chức giáo sư và giảng dạy thần học. Người đã làm Bề trên tu viện nhiều lần và nổi tiếng về đời sống nhiệm nhặt ; làm Cao Uỷ Toà Điều Tra Rô-ma (1551) ; được Đức Pi-ô IV đặt làm Giám mục Nê-pi và Xu-tơ-ri (1556) ; một năm sau thăng Hồng Y (1557) ; sau cùng, Đức Pi-ô IV cử cai quản giáo phận Môn-đô-vi tại xứ Pi-ê-môn-tê (1560).
Đắc cử Giáo Hoàng ngày 7 tháng 1 năm 1566, Người nhận tên là Pi-ô V. Với sự trợ giúp của thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô, Người dốc toàn lực để lo phần rỗi các linh hồn và canh tân Hội Thánh. Chống lại những người Cải Cách, Người cương quyết bảo vệ và phổ biến đức tin Công Giáo và đem ra thực hành những quyết nghị của Công Đồng Tren-tô.
Dần dần Người triệt để cải tổ giáo triều Rô-ma, cho công bố sách “Bổn Rô-ma” (Cathechismus Romanus) (1566), chọn bộ “Thần học Tổng yếu” của thánh Tô-ma làm sách giáo khoa để đặt căn bản vững chắc cho việc đào tạo hàng giáo sĩ.
Tước hiệu “Tiến sĩ Hội Thánh” thời ấy chỉ được sử dụng hạn chế, nay Người mở rộng và suy tôn thánh Tô-mna làm vị Tiến sĩ thứ năm của Giáo hội La-tinh với danh xưng “Tiến sĩ Thiên thần” (1567). Người còn cổ võ cách hữu hiệu việc canh tân và thống nhất phụng vụ, cho ấn hành bộ “Sách Nguyện” và “Sách Lễ Rô-ma” (1570) ; Người đề cao truyền thống tín lý thuần nhất giữa Giáo hội Đông phương và La-tinh bằng cách suy tôn bốn vị đại Tiến sĩ của mỗi Giáo hội với cùng một phẩm tước phụng vụ.
Người dùng hết tài lực để ngăn cản địch thù đức tin, điển hình nhất là Người đã chuẩn bị một đoàn tàu viễn chinh chống lại hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ đó các chiến sĩ Công giáo đã chiến thắng tại vịnh Lê-pan-tô, ngày 7 tháng 10 năm 1571 ; cảm kích vì cuộc chiến thắng mà Người cho là do lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, nên người lập lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 1572.
Người từ trần tại Rô-ma ngày 1 tháng 5 năm 1572, và một trăm năm sau tức ngày 1 tháng 5 năm 1672, Đức Cơ-lê-men-tê X tôn Người lên hàng chân phước, và sau cùng, Đức Giáo Hoàng Cơ-lê-men-tê XI ghi danh Người vào sổ bộ các hiển thánh ngày 22 thán 5 năm 1712. Thi hài thánh của Người được lưu giữ và tôn kính tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rô-ma.
Bài đọc 2 (1/2)
Nhiệm vụ của người mục tử tốt là bác ái
Trích sách Chú giải Phúc Âm thánh Gio-an của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục.
Chúa Giê-su nói : Ta là Mục Tử tốt. Chúa Ki-tô là Mục Tử, điều đó hiển nhiên là hợp với Người, vì, như đàn chiên được mục tử dẫn dắt và chăn nuôi, thì các tín hữu cũng được Chúa Ki-tô dùng thần lương và cả Mình và Máu Người nữa mà nuôi dưỡng.
Nhưng để tự phân biệt khỏi mục tử xấu và kẻ trộm, Chúa còn thêm tốt vào đó nữa. Nói tốt là vì Người chu toàn nhiệm vụ của mục tử cũng như người lính “tốt” chu toàn nhiệm vụ binh sĩ. Nhưng vì trước đấy Chúa Ki-tô đã nói : mục tử qua cửa mà vào, rồi lại nói mình là cửa ; còn ở đây Người nói mình là mục tử : thế nên, chính Người phải qua chính mình mà vào. Và quả thật, Người qua chính Người mà vào, vì Người tự tỏ mình ra, và qua chính mình mà biết Chúa Cha. Còn chúng ta, thì qua chính Người mà vào, vì nhờ Người chúng ta được hạnh phúc.
Nhưng nên chú ý : không một ai khác là cửa ngoài chính Người, vì không một ai khác là ánh sáng đích thực, nhưng chỉ là thông phần vào ánh sáng. Cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả, Người không phải là ánh sáng, nhưng để làm chứng về ánh sáng. Còn về Đức Ki-tô thì có lời chép : Người là ánh sáng đích thực soi sáng mọi người. Vì thế không ai tự xưng mình là cửa. Đức Ki-tô dành riêng cho mình danh xưng ấy, còn việc “là mục tử” thì Người thông cho nhiều người khác và ban cho các chi thể của Người. Thế nên Phê-rô là mục tử, các tông đồ khác và mọi Giám mục tốt cũng là mục tử : Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử theo ý lòng Ta.
Theo thánh Âu-tinh, mặc dầu các thủ lãnh của Hội Thánh, là con cái Chúa, đều là mục tử, nhưng sở dĩ Chúa Ki-tô đã độc quyết : Ta là Mục Tử tốt là để ám chỉ sức mạnh của đức ái. Vì không ai là mục tử tốt nếu không nhờ đức ái mà hiệp nhất với Chúa Ki-tô và trở thành chi thể của vị Mục Tử đích thực.
Nhiệm vụ của mục tử tốt là bác ái ; vì thế Chúa phán : Mục tử tốt thí mạng mình vì con chiên. Nên biết rằng : có sự khác biệt giữa mục tử tốt và mục tử xấu, vì mục tử tốt tìm lợi ích cho đàn chiên, còn mục tử xấu chỉ tìm tư lợi ; sự khác biệt ấy đã được ngôn sứ nhắc đến : Khốn cho những mục tử chỉ biết chăn nuôi chính mình. Mục tử thì phải chăn chiên chứ ? Ai chỉ biết lợi dụng đàn chiên mà chăn nuôi chính mình tất không phải là mục tử tốt. Còn mục tử tốt, cả về phần xác, cũng chịu đựng nhiều vì đàn chiên. Do đó, ông Gia-cóp đã nói : Đêm ngày tôi đã chịu đựng giá lạnh và nồng nực.
Nhưng bởi vì ơn cứu độ của đàn chiên có giá trị hơn sự sống phần xác của mục tử, nên khi ơn cứu độ của đàn chiên lâm nguy thì mục tử phải hy sinh mạng sống phần xác để đàn chiên được cứu độ. Thế nên, Chúa đã nói : Mục tử tốt hiến mạng sống mình – tức sự sống phần xác – vì đàn chiên, vì hai lý do : quyền bính và bác ái, cả hai đều phải có, vì một đàng đàn chiên thuộc về mục tử ; đàng khác mục tử phải yêu mến con chiên : có quyền bính mà không có bác ái thì không đủ. Chúa Ki-tô đã nêu gương sáng về giáo thuyết này. Chúa Ki-tô đã hiến mạng sống Người vì chúng ta, thì chúng ta cũng phải hiến mạng sống mình vì anh em.
Xướng đáp | x. Cv 20,28 ; 1 Cr 4,2 |
X |
Anh em hãy canh giữ toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, |
* |
Hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính Con mình, Ha-lê-lui-a. |
Đ |
Người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành. Đức tính đòi hỏi nơi người quản lý là trung tín. * |
Bài đọc 2 (2/2)
Gương mẫu khiêm nhường và lòng đạo đức rạng ngời của Ki-tô giáo.
Trích tiểu sử thánh Giáo hoàng Pi-ô V, của Gio-an An-tô-ni-ô Ga-bu-xi-ô.
Thánh Pi-ô đã nói : các vị Giáo hoàng xây dựng Hội Thánh không phải bằng đá cho bằng nhân đức. Bởi Người đã am tường rằng : để cai trị người đời cách hiền hậu và ôn hoà, không gì thích hợp cho bằng được người ta yêu mến ; không gì bất lợi cho bằng làm người ta sợ ; không gì dẫn người ta đến với Chúa hơn cho bằng lo phần rỗi cho họ ; thế nên Người đã muốn khởi đầu nhiệm vụ Giáo hoàng của Người bằng bác ái đối với người nghèo và quảng đại nhân từ đối với mọi người khác.
Thánh Pi-ô quả quyết : nhiệm vụ chính yếu của vị Giáo hoàng Rô-ma là tận lực bảo toàn nguyên vẹn việc thờ phượng Thiên Chúa, kỷ luật Hội Thánh và thuần phong mỹ tục của dân thành Rô-ma. Vì thế, Người đã cố gắng vãn hồi vẻ huy hoàng cổ kính cho việc phụng tự ở những nơi đã bị suy giảm, và tái lập nếp sống cùng phong tục cho mọi tầng lớp phù hợp với nền đạo đức chân chính.
Thánh Pi-ô đã thấu hiểu rằng : không gì vừa đáng Thiên Chúa chê ghét vừa đầu độc loài người cho bằng lạc giáo, nên không những suốt đời, và nhất là khi làm Giáo hoàng, Người đã luôn nghĩ phải dùng mọi phương thế, không quản tốn công sức tiền của, với những lời khuyên nhủ rất khôn ngoan, những khích lệ đầy tình hiền phụ và những lời cảnh giác đầy nhân hậu, để tiễu trừ tận căn thứ bệnh truyền nhiễm ấy khắp nơi trên mặt đất.
Thánh Pi-ô nổi tiếng về lòng sốt sắng ca tụng Thiên Chúa. Tâm tư người luôn hướng về Thiên Chúa, nên người trọng danh dự và vinh quang Thiên Chúa hơn hết mọi sự, và không ước mong gì hơn là hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa. Hầu như lúc nào người cũng kính cẩn tưởng nhớ đến những cực hình dữ dằn Chúa Ki-tô đã chịu vì chúng ta, nên người quen đặt tượng Chúa Cứu Chuộc trước mặt.
Thánh Pi-ô còn duy trì cách cầu nguyện ấy khi gặp những công việc trọng đại phải giải quyết, và trong lúc đó Người không bỏ qua những việc bổn phận phải chu toàn, dầu là rất nhỏ mọn. Bởi vì Người nghĩ rằng nhiệm vụ chính yếu của Giáo hoàng là cầu xin Chúa tha tội cho dân, và ban cho dân những sự cần thiết, nên phải sống thân mật và hài lòng Đấng đã đặt người lên để khẩn cầu cho dân. Do đó, thường thường, từ những công việc bề bộn, người chạy đến thở than với Chúa, để âm thầm học với Chúa những gì người phải công khai dạy dỗ dân, và đang khi say sưa yêu mến Chúa trong chiêm niệm, thì bên ngoài, mang gánh nặng của dân, người mưu liệu phần rỗi cho mọi người. Những khi Giáo hội gặp khó khăn trầm trọng và quẫn bách, Người ăn chay hành khổ thân xác nhiều hơn để xin Chúa đoái thương mọi người.
Người thiết tha sùng kính Đức Nữ Trinh Ma-ri-a, Thiên Chúa Thánh Mẫu, đến độ không bỏ qua ngày nào mà không đọc kinh Mân Côi, cả khi làm Giáo hoàng, bận bịu với biết bao công việc. Hẳn không ngoài thánh ý Thiên Chúa, nên khi vị Giáo Hoàng hiển hách này qua đời, di hài người không được giữ ở đâu khác, ngoại trừ ở Rô-ma, trong đền thờ Đức Bà Cả, để gương mẫu của vị Giáo hoàng này dạy cho hậu thế biết tập luyện nhân đức. Người suốt đời đã nhiệt thành sùng kính Đức Nữ trinh Thiên Chúa Thánh Mẫu, khi qua đời rồi, cũng không an nghỉ đâu khác ngoài cung điện rất uy nghi của Đức Nữ trinh.
Xướng đáp | Hc 47,9.10.6 |
X |
Trong mọi việc làm, người hằng tôn vinh và chúc tụng Đấng Thánh tối cao. |
* |
Người hết lòng ca ngợi Chúa, Ha-lê-lui-a. |
Đ |
Người đã kêu cầu Chúa cao cả, và Chúa đã ban sức mạnh cho tay hữu Người. * |
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã an bài cho thánh giáo hoàng Pi-ô V trở thành người bảo vệ đức tin và canh tân phụng vụ trong Hội Thánh. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con biết cử hành các mầu nhiệm của Chúa với đức tin sống động và lòng mến nhiệt thành. Chúng con cầu xin