Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 3 tháng 11

Thánh Mác-ti-nô Po-rét, tu sĩ

lễ kính

Thánh Mác-ti-nô sinh năm 1579, tại Li-ma, nước Pê-ru, con một hiệp sĩ Tây Ban Nha tên là Gio-an và một phụ nữ da đen được giải phóng tên là An-na Vê-lát-khê. Giữa hàng chư thánh, Mác-ti-nô là một chứng tá của dân da đen bị khinh miệt một cách bi thảm ở Tân Thế Giới. Đang lúc giúp việc một người thợ hớt tóc, Mác-ti-nô xin gia nhập Dòng Thánh Đa Minh và được nhận vào số các anh em trợ sĩ tại tu viện Đức Mẹ Mân Côi ở Li-ma. Cũng tại tu viện này, Mác-ti-nô đã được nhận tuyên khấn trọng thể năm 1603.

Mác-ti-nô có lòng đơn sơ, thanh bạch và đức tin phi thường, được cắt đặt làm những việc thường hèn, nhưng Chúa lại cất nhắc người lên, với nhiều hồng ân và đoàn sủng cao siêu. Người rất nhiệt thành sùng kính mầu nhiệm Thánh Thể và Khổ Nạn của Chúa Cứu Chuộc. Người hiến cả cuộc đời để làm việc bác ái đối với người nghèo, nhất là những người đau yếu, với cả súc vật nữa. Người được tôn phong làm bổn mạng các anh em trợ sĩ quả là xứng đáng. Người quý chuộng việc ăn chay, hãm mình nhiệm nhặt và cầu nguyện, nhất là cầu nguyện ban đêm, theo gương Chúa Giê-su. Từ việc cầu nguyện đó, người đã kín múc được những nguồn sáng soi dẫn người cách lạ lùng trong đường lối dạy giáo lý.

Mác-ti-nô qua đời ngày 3-11-1639 tại Li-ma. Đức Ghê-gô-ri-ô XVI tôn người lên bậc chân phước năm 1837. Thánh Mác-ti-nô được mọi người Bắc Mỹ và Nam Mỹ sùng mộ không những vì đức khiêm tốn phi thường của người, mà còn vì chính người là một dấu chứng. Ngày 6-5-1962, Đức Gio-an XXIII ghi tên người vào số các hiển thánh.

Bài đọc 1 Hc 29,8-13 ; 4,1-10

Người hiền đứng ra bảo lãnh cho người đồng loại

Lời Chúa trong sách Huấn ca.

Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn,
đừng chần chừ khi phải bố thí.

Theo luật dạy, con hãy đón tiếp kẻ khó nghèo,
vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng.

Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em bạn hữu,
đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi.

Hãy theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử dụng của cải,
việc đó còn ích lợi cho con hơn cả vàng.

Rộng tay bố thí là con chất đầy kho lẫm,
và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy.

Của bố thí sẽ nên vũ khí giúp con chống địch thù
lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn.

Con ơi,
đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo,
đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi.

Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi,
đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo.

Một tâm hồn đang bực bội,
con đừng làm khổ thêm,
đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu
mới được con giúp đỡ.

Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối,
gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi.

Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn,
kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con.

Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa con,
thì Đấng tạo thành ra nó sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện.


Hãy làm cho công hội mến thương con,
và tỏ lòng kính trọng người làm lớn.

Hãy lắng nghe kẻ nghèo, và nhã nhặn chào lại họ.

Hãy giải thoát người bị áp bức
khỏi tay phường áp bức,
đừng hèn nhát khi con phải xét xử.

Đối với trẻ mồ côi,
con hãy xử như một người cha,
và với mẹ của chúng,
hãy xử như một người chồng ;
được vậy,
con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao,
và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa.

Xướng đáp Hc 29,15 ; 3,33 ; Lc 11,41

X

Hãy cất của bố thí nơi trái tim người nghèo, và của ấy sẽ cầu khẩn cho con trước mặt Chúa.

*

Vì như nước dập tắt lửa thế nào, của bố thí cũng dập tắt tội lỗi như vậy.

Đ

Chúa phán : hãy bố thí đi, và này, mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các con. *

Bài đọc 2 (1/4)

Trong Hội Thánh có nhiều ơn huệ khác nhau

Trích sách Đối thoại của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ.

Linh hồn yêu mến chân lý của Ta không bao giờ ngừng, giúp ích cho toàn thế giới, cách chung hay cách riêng, nhiều hay ít.

Vậy một khi đã trở nên hữu ích nhờ lòng yêu mến liên kết linh hồn với Ta và khiến linh hồn yêu thương tha nhân, linh hồn mở rộng tình yêu để liệu cho toàn thế giới cũng được ơn cứu chuộc trong những nhu cầu của chính thế giới. Tuy nhiên, trước hết, linh hồn phải hữu dụng cho chính mình qua việc thâu thập các nhân đức làm cho linh hồn có được đời sống ân sủng đã, rồi chú tâm nhìn đến những nhu cầu của tha nhân. Sau khi đã vì lòng bác ái mà giúp ích cho mọi người một cách chung, như đã nói ở trên, thì sau cùng, linh hồn trợ giúp tha nhân tuỳ theo những ân sủng khác biệt mà Ta sẽ ban cho linh hồn để phân phát, vì Ta ban cho người này sức mạnh giảng thuyết, tức ơn hùng biện, giúp ích cho tha nhân mà không tây vị người nào, Ta ban cho người khác ơn làm gương sáng về đời sống. Mỗi người đều phải làm việc này là giúp tha nhân xây dựng cách hoàn hảo một đời sống đoan trang và thánh thiện.

Đây là các nhân đức và còn rất nhiều nữa, con không thể thấy được, đã phát sinh từ lòng yêu thương tha nhân, và Ta đã phân phối rất khác biệt cho các linh hồn, vì Ta không dồn cả vào một linh hồn.

Ta ban cho người này nhân đức riêng biệt này, người kia nhân đức riêng biệt khác, mặc dù nhân đức này không thể không có các nhân đức khác, bởi lẽ mọi nhân đức đều liên kết với nhau. Tuy nhiên, có các nhân đức Ta ban như đầu các nhân đức khác, nghĩa là Ta đặt nơi người này đức ái làm đầu, nơi người khác đức công bình, nơi người khác nữa đức khiêm nhường, người khác đức tin sống động, khôn ngoan, đức tiết độ, đức nhẫn nại, và nơi người khác nữa đức cương dũng bất khuất.

Và như vậy, biết bao ân huệ và ân sủng, các nhân đức cũng như các hồng ân khác đã được phân phối rất khác biệt cho linh hồn và thể xác. Ta muốn nói đến những gì cần cho đời sống con người : Ta đã ban một cách khác biệt như thế, vì Ta đã chẳng ban cho một người hết thảy những gì thuật lợi cho thể xác và linh hồn, nhưng Ta muốn người này cần đến người kia, để họ trở thành những người quản lý của Ta, và phân phát những ân huệ và ân sủng mà họ đã nhận được từ bàn tay nhân hậu của Ta, vì muốn hay không, con người không thể không thực thi bác ái đối với tha nhân. Tuy nhiên, tác động bác ái đó nếu không thực hiện vì lòng yêu mến Ta, tất không sinh ích gì về mặt ân sủng.

Xướng đáp x. 1 Cr 1,9 ; Gl 3,28

X

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha muôn loài, Người đã gọi chúng ta đến hiệp thông với Con của Người, là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta,

*

Vì chính Người là Chủ Tể muôn loài.

Đ

Không còn phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do. *

Bài đọc 2 (2/4)

Anh em hãy ân cần suy nghĩ vì sao anh em đã bỏ thế gian mà gia nhập đời sống tu trì

Trích thư của cha Hum-bê-tô Rô-man, linh mục, về kỷ luật tu trì.

Anh em thân mến, để anh em có thể đạt tới mục đích anh em theo đuổi một cách hoàn hảo hơn, anh em hãy ân cần suy nghĩ vì sao anh em đã bỏ thế gian mà vào tu dòng. Hãy chế ngự ý riêng anh em và hãy kể mình như đã chết cho thế gian.

Hãy giũ bỏ khỏi lòng anh em những tư tưởng tò mò, những cảm tình bất xứng, những ý hướng hắc ám, tình yêu riêng tư, và sau cùng là tính lập dị. Điều anh em hổ thẹn không dám làm trước mặt người đời, thì hãy sợ đừng tưởng nghĩ trước mặt Thiên Chúa.

Ai nấy hãy cố gắng có một tấm lòng giống như vườn xanh tươi của các cây nhân đức, như kho nức hương những tình cảm thánh thiện, như bầu trời chói sáng bởi những tinh tú chiếu giãi ánh thiêng của Thiên Chúa, như bông hoa nhận lãnh sương trời, như hòm chứa kho tàng kỳ diệu, như mạch nước luôn tuôn chảy thành những dòng suối sốt sắng, như gương phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa. Ôi diễm phúc thay tấm lòng đã trở nên như toà nhà Chúa ngự trị, như căn phòng cho Người an nghỉ, như ấn tín cho Người in hình ảnh Người vào, như hầm rượu cho Người cát chứa rượu ngon, như sách để Người ghi lưu niệm, như vàng để Người uốn theo ý của Người.

Mỗi người hãy luôn luôn cố gắng sao cho có tấm lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, khôn ngoan trong suy nghĩ, cẩn thận trong những cơn cám dỗ, xa tránh mọi oán thù, kiêng dè mọi xét đoán, khắc khoải những ước vọng vĩnh tồn, héo hắt vì yêu mến, sáng chói về kiến thức, thận trọng trong việc làm, cao siêu vi chiêm niệm, ân cần làm việc thiện, tan nát vì lòng thống hối, thánh thiện vì trong sạch, cẩn thủ trong lòng kính sợ và điểm trang bằng ân sủng.

Sau cùng, anh em thân mến, chúng ta phải rất siêng năng nỗ lực hết lòng tránh tội, gớm ghét lỗi lầm, hết lòng trở về cùng Chúa, làm việc đền tội, hết lòng tìm Chúa, xin ơn tha thứ, hết lòng gắn bó với Chúa, yêu Chúa trên hết mọi sự, hết lòng phụng sự Chúa và ngợi khen Người, hết lòng theo Chúa, dõi theo vết chân Người. Chúng ta phải làm tất cả những điều ấy đối với Chúa thật là chính đáng, vì Người đã ban cho tâm hồn chúng ta vô vàn vô số hồng ân.

Quả thật, chính Thiên Chúa soi sáng tâm hồn chúng ta bằng sự khôn ngoan, cai quản bằng lòng nhân hậu, nuôi dưỡng bằng sự ngọt ngào, mời gọi bằng vẻ đẹp tươi, biến đổi bằng quyền năng, kết hợp bằng đức ái, khuyến dụ bằng lời hứa, dạy dỗ bằng roi vọt, sửa dạy bằng đe doạ và uốn mềm bằng ân huệ.

Chính Thiên Chúa rất dịu hiền nhìn xem lòng chúng ta bằng thử thách, đàm đạo bằng thăm hỏi, đánh động bằng kích thích, thăm viếng bằng ủi an, ban sức sống bằng công chính hoá và mở rộng bằng soi sáng. Về tất cả những điều ấy, chúng ta luôn luôn phải tự ơn Chúa thì thật là thích hợp.

Xướng đáp x. Mt 20,28 ; 1 Cr 9,22

X

Theo gương Chúa Ki-tô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, thánh Mác-ti-nô

*

đã trở nên một sự cho mọi người.

Đ

Đức bác ái của thánh nhân đã tràn đến mọi người, nên được mệnh danh là “Mác-ti-nô bác ái”. *

Bài đọc 2 (3/4)

Thiên Chúa rộng lượng và quảng đại

Trích thư của tu sĩ Lu-i Gơ-ra-na-đa, linh mục.

Hãy nói với người công chính rằng tốt đẹp biết bao : Đây là sứ điệp Thiên Chúa gửi đến cho mọi người công chính qua ngôn sứ I-sai-a, lời thì rất vắn vỏi, nhưng phần thưởng Người hứa ban, lại rất quảng đại. Thường thì người ta rộng rãi trong lời hứa, nhưng lại keo kiệt trong việc làm. Còn Thiên Chúa, Người rất rộng lượng và quảng đại khi thực hiện, đến độ những lời Người hứa, dầu đại lượng đến mức độ nào đi nữa, sánh cùng việc Người làm, vẫn còn kém xa.

Còn gì có thể vắn tắt hơn câu : Hãy nói với người công chính rằng tốt đẹp biết bao ? Điều hàm chứa trong hạn từ tốt này còn kính ẩn biết bao ! Vì tôi nghĩ : hạn từ ấy được nói lên mà không giải thích hay phân biệt chi hết, chính là để người ta hiểu rằng hạn từ ấy không thể giải thích được đúng theo thực chất của nó, lại cũng chẳng cần phân biệt sự thiện này với sự thiện kia, nhưng mọi sự thiện đều hàm chứa trong hạn từ tốt đẹp một cách vô giới hạn.

Thế nên khi ông Mô-sê xin Chúa tỏ danh thánh Người, thì Người trả lời : Ta là Đấng Hữu, mà không thêm gì khác nữa, để cho thấy sự hữu của Người không phải hữu hạn, nhưng phổ cập, nghĩa là bao hàm mọi hiện hữu, và mọi hoàn hảo không khiếm khuyết thuộc về cũng một sự hữu ấy. Cũng vậy, ở đây nói lên một từ tốt đẹp thật vắn tắt mà không phải thích chi cả, để hiểu rằng mọi sự thiện hảo mà lòng con người có thể ước vọng đều được hàm chứa trong sự thiện này : mà sự thiện này Thiên Chúa hứa cho người công chính như phần thưởng nhân đức của họ.

Có hai điều cần thiết để làm cho con người trở nên nhân đức : một là thật sự muốn là người nhân đức, hai là phải làm thế nào để là người nhân đức. Sở dĩ tôi bàn đến những điều này là vì thấy nhiều người, mặc dù ca ngợi nhân đức, nhưng lại buông theo nết xấu. Theo tôi nghĩ, một trong những căn nguyên xảy ra sự xấu này là vì người ta không hiểu chủng loại và bản chất của nhân đức, mà coi nhân đức là khó khăn, vô bổ, và buồn phiền. Vậy ai có công tôn vinh bà chủ này và đặt bà lên ngai vàng, thì thật đáng được tất cả mọi sự thiện, vì nhân đức là Nữ hoàng và là bà chủ mọi sự thiện.

Xướng đáp x. Cn 14,21 ; Tv 40,2 ; Đnl 28,12

X

Phúc cho ai thương người thiếu thốn, túng nghèo,

*

trong ngày khốn quẫn, Chúa sẽ giải cứu họ.

Đ

Chúa là Thiên Chúa của họ sẽ chúc lành cho mọi công việc họ làm. *

Bài đọc 2 (4/4)

Mác-ti-nô bác ái

Trích bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII nhân dịp phong thánh cho Mác-ti-nô Po-rét.

Qua những mẫu gương trong đời sống, thánh Mác-ti-nô chứng tỏ rằng chúng ta có thể đạt tới sự cứu rỗi và thánh thiện bằng con đường mà Đức Giê-su Ki-tô đã vạch ra cho ta, nghĩa là trước tiên chúng ta phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, rồi yêu người tha nhân như chính mình.

Thánh nhân đã thâm tín rằng Đức Giê-su Ki-tô đã chịu đau khổ vì ta, và trên thập giá, Người đã mang lấy tội ta trong chính thân xác Người. Vì thế, thánh nhân đã đặc biệt yêu mến Đức Giê-su chịu đóng đinh, và khi chiêm niệm những đau khổ của Chúa, thánh nhân không thể cầm được nước mắt. Người cũng đặc biệt yêu kính Bí tích Thánh Thể. Thông thường, Người kín đáo chầu Thánh Thể trong nhà tạm nhiều giờ liên tiếp, và mong muốn được Thánh Thể nuôi dưỡng càng nhiều càng hay.

Rồi, vâng theo lời Thầy chí thánh, thánh Mác-ti-nô đối xử với anh em bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuát từ trái tim không phai nhoà và một tâm hồn khiêm nhu. Thánh nhân yêu mến người khác, vì Người thật sự coi họ là con cái Thiên Chúa, và là anh em của mình. Hơn thế nữa, Người còn yêu họ hơn mình.

Thánh nhân chữa lỗi cho người khác, và tha thứ những sỉ nhục cay đắng nhất. Người xác tín rằng, do tội đã phạm, mình còn đáng phải chịu những hình phạt nặng nề hơn nữa. Người hăng say cố công dẫn đưa tội nhân về đàng ngay. Người ân cần trợ giúp người đau yếu, cung cấp cho người thiếu thốn của ăn, áo mặc, thuốc men. Với các nông dân và người da đen hoặc người lai, lúc đó bị coi như những nô lệ xấu xa, thánh nhân vỗ về giúp đỡ theo khả năng của mình, và lo lắng cho họ đến độ được quần chúng mệnh danh là “Mác-ti-nô bác ái”.

Quả thật, nhờ lời nói, gương lành và nhân đức, vị thánh này đã lôi kéo được nhiều người theo đạo. Bây giờ người còn có thể lạ lùng hướng tâm trí ta về trời. Tiếc thay không phải mọi người đều hiểu những của cải trên trời cho đúng mức, không phải mọi người đều quý chuộng những của cải ấy. Tệ hơn nữa, mọi người đều bị tật xấu lôi cuốn, coi thường hoặc chán ghét, hoặc hoàn toàn xao lãng những của cải ấy. Ước chi, vì phần rỗi của họ, gương lành của thánh Mác-ti-nô dạy cho nhiều người biết : thật êm ái và hạnh phúc biết bao, nếu họ bước theo vết chân của Đức Giê-su Ki-tô, và vâng theo các giới răn của Người.

Xướng đáp   Hc 31,8.11.9

X

Phúc thay người không vướng bợn nhơ, không chạy theo vàng bạc, cũng không cậy vào kho tàng tiền bạc.

*

Bởi thế, của cải của người ấy sẽ bền vững.

Đ

Người là ai để chúng tôi mừng chúc ? Người đã làm những sự lạ trong đời mình. *

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa thánh Mác-ti-nô qua con đường khiêm nhu ẩn dật đến vinh quang thiên quốc. Xin cho chúng con ngày nay biết noi gương người, để mai sau được cùng người hưởng nhan thánh Chúa. Chúng con cầu xin