Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 9 tháng 10

Thánh Lu-i Bê-tran, linh mục

lễ nhớ

Lu-i sinh ngày 1 tháng Giêng năm 1526 tại Va-len-xi-a, nước Tây Ban Nha trong một gia đình sang trọng và đạo đức. Vì muốn vào tu tại tu viện thánh Gia-cô-bê năm 16 tuổi, Lu-i đã bỏ nhà trái ý thân phụ. Bị bắt trở về và cấm lui tới Dòng Giảng Thuyết, Lu-i vẫn kín đáo đến công hội tu viện để nghe huấn đức. Sau cùng, ngày 26-8-1544, Lu-i được lãnh tu phục, mặc dầu song thân vẫn chống đối. Người đã cố gắng để đạt tới mẫu trọn hảo của một tu sĩ Giảng Thuyếto, và thật sự đã trở thành con người lý tưởng của Dòng, và là gương mẫu của các tập sinh được trao cho người huấn luyện. Kết hợp đời sống nhiệm nhặt với nhiệt tâm tông đồ để truyền bá đức tin, năm 1562, người đã xin đi đến tận vùng xa xôi của Mỹ Châu, nay là nước Cô-lôm-bi-a.

Bảy năm ở đó, cha Lu-i tận tuỵ vất vả vì dân bản xứ, và đã đưa được nhiều người về với ánh sáng Tin Mừng, bởi nhờ ơn lạ, họ hiểu được người, mặc dầu người chỉ nói tiếng mẹ đẻ. Người giúp họ đi vào nền văn hoá nhân bản và bênh vực họ chống lại những kẻ áp bức. Được Giám mục Ba-tô-lô-mê-ô Ca-xa cổ võ, người can đảm đương đầu với những quan chức thực dân. Hồi hương năm 1569, người hoàn toàn dấn thân bằng tác vụ canh tân đời sống Ki-tô hữu và tu trì, và càng hăng say quyết tâm nên thánh với đặc điểm là lòng kính sợ Chúa.

Người từ trần tại Va-len-xi-a ngày 9 tháng 10 năm 1581. Đức Cơ-lê-men-tê X tôn người lên bậc hiển thánh ngày 12-4-1671. Năm 1936, trong cuộc nội chiến tàn khốc, thi hài người đã bị thiêu cháy.

Bài đọc 2 (1/2)

Lệnh truyền của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau

Trích khảo luận của thánh Lu-i Bê-tran về phẩm giá của các tông đồ và các nhà giảng thuyết theo gương các Tông Đồ.

Đoạn Tin Mừng này trích trong diễn từ Chúa nói với các môn đệ sau bữa Tiệc Ly, khi Chúa sắp từ giã họ để đi chịu chết. Giữa những lời an ủi mà Chúa khôn ngoan ban để soi sáng họ đang buồn phiền vì Thầy vắng mặt, có một lời này : hãy yêu thương nhau, vì tình yêu là niềm an ủi lớn lao cho những kẻ ưu phiền, khi họ yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Người đã lập một bí tích để bồi dưỡng họ ; Người đã hứa gửi Thánh Thần đến, và Người cầu xin Chúa Cha nhân danh họ. Người cũng ban cho họ phương thuốc này, là yêu thương nhau và làm ích cho nhau. Thật vậy, tình yêu thương mà Người đòi hỏi có tầm quan trọng lớn lao, vì ảnh hưởng tới toàn bộ Ki-tô giáo. Người đòi hỏi yêu thương vì những lý do sau đây.

Trước hết, yêu thương là một bổn phận. Tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu. Và vì Thầy đã yêu thương anh em đến nỗi trao ban cả sự sống của Thầy cho anh em, thì tình yêu của Thầy cần phải được đo lường bằng một tình yêu mà chỉ có tình yêu hỗ tương của anh em mới có thể thực hiện được. Người chứng minh rằng Người đã yêu thương chúng ta vì những lý do khác. Thứ nhất : Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu. Kế đến là sự kiện Người đã chọn chúng ta để làm công việc cao cả nhất : Thầy đã chọn anh em từ thế gian… để anh em ra đi và mang lại hoa trái. Thứ ba, Người đã hứa : Hễ anh em xin Chúa Cha bất cứ điều gì nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho anh em. Như thế là thích hợp để kết thúc bằng lời đã bắt đầu : Thầy truyền cho anh em là phải yêu thương nhau. Đáp lại những gì Thầy đã làm cho anh em, Thầy chỉ muốn rằng anh em hãy yêu thương nhau.

Không có chỗ nào khác trong Phúc Âm mà Đức Ki-tô kêu mời chúng ta yêu thương nhau như Người nói ở chỗ này, và Người đòi chúng ta như một món nợ mà chúng ta phải trả vì đức công bằng. Theo đức công bằng, bạn phải yêu thương tha nhân, vì Đức Ki-tô đã thủ đắc tình yêu này cho bạn, và vì đó, Người đã không trao ban gì hơn chính tình yêu của Người.

Cuối cùng, trong Phúc Âm, Đức Ki-tô có nêu lên ba thứ tình bằng hữu. Trước hết là tình yêu của Người đối với con người. Người đã chứng tỏ rằng tỉnh yêu này là chân thật và đầy đủ đến mức Người đã trao ban mạng sống mình, đã bộc lộ tất cả những bí mật, và Người sẽ làm những gì chúng ta xin Người, như một người bạn trung tín không thể từ chối điều gì. Người chứng minh rằng Người là một người bạn trung thành đặc biệt đối với các Tông Đồ, vì Người đã trao cho họ một sứ vụ cao trọng như vậy, là cứu độ các linh hồn, mà hoa trái của sứ vụ ấy tồn tại mãi mãi.

Loại tình bằng hữu thứ hai là tình yêu hỗ tương giữa con người với con người. Chúa Ki-tô đòi hỏi tình yêu và tình bằng hữu này do đức công bằng : vì Người đã yêu thương chúng ta, nên chúng ta phải yêu thương nhau bằng một tình yêu chân thật và một tình bằng hữu ngay chính.

Loại tình bằng hữu thứ ba là tình bằng hữu của con người đối với Thiên Chúa. Tình bằng hữu này được chứng minh bằng quyết định vâng phục Thiên Chúa, và thực hiện những gì Người truyền bằng : Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em tuân giữ những điều Thầy truyền. Để hiểu đúng điều này, chúng ta phải ghi nhận và ý thức rằng có tình bằng hữu của người trên đối với người dưới, của người bằng vai đối với người bằng vai, và của người dưới đối với người trên. Vì tình bằng hữu là sự hiệp thông thiện ích, nên ba loại tình bằng hữu trên đây thể hiện sự hiệp thông này theo những cách thức khác nhau. Tình bằng hữu của người trên đối với người dưới hệ tại chia sẻ thiện ích, như Chúa Ki-tô đã nói : Hễ anh em xin Chúa Cha bất cứ điều gì nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho anh em. Và Thầy đã cho anh em sự sống, bửu huyết của Thầy, và sứ vụ cao trọng nhất là hoán cải các tâm hồn.

Tình bằng hữu giữa những người bằng vai hệ tại sự phân chia thiện ích cho nhau trong tình yêu và hỗ trợ lẫn nhau. Đó là điều Chúa Ki-tô nói : Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Tình bằng hữu giữa người dưới với người trên hệ tại vâng phục và tuân phục. Đo slà điều Chúa Ki-tô đã nói : Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em tuân giữ những điều Thầy truyền.

Xướng đáp Is 42,1 ; Ac 3,27

X

Này đây tôi tớ của Ta, kẻ Ta nâng đỡ, là người Ta đã chọn và yêu quý :

*

Ta đã ban Thần Khí Ta trên người.

Đ

Tốt lành thay cho người nào đã mang lấy ách của Chúa từ khi còn trẻ. *

Bài đọc 2 (2/2)

Để thành nhà giảng thuyết tài giỏi, bạn phải xuất phát từ nơi thanh vắng

Trích các bài giảng của thánh Lu-i Bê-tran, linh mục.

Sở dĩ Chúa Thánh Thần giữ thánh Gio-an trong hoang địa, không để thánh nhân biết và thấy Chúa Ki-tô, là vì tầm quan trọng của chứng tá sau này thánh nhân phải đưa ra về Chúa Ki-tô, tức là thánh nhân không hề gặp Chúa cho tới khi thấy chim bồ câu đậu trên đầu người ở sông Gio-đan ; Tôi chưa hề biết Người, nhưng Đấng sai tôi thanh tẩy bằng nước, đã bảo tôi rằng : người thấy Thánh Thần xuống đậu trên ai thì người ấy là Đấng thanh tẩy trong Thánh Thần.

Gio-an đã hiện diện ở đấy, nơi có tiếng Thiên Chúa Cha phán ra tuyên bố Đức Ki-tô là Con của Người. Ở đấy, Chúa Thánh Thần đã trang bị cho thánh nhân ba nhân đức quan trọng như khiêm nhu, hiền hoà và nhiều nhân đức khác để, khi xuất phát từ hoang địa, thánh nhân trở thành muối ướp người ta cho khỏi hư thối, thành ánh sáng soi kẻ mù loà, nên thành trì kiên cố, nơi trú ẩn của các thánh và các người nhân đức.

Hiển nhiên, nhiệm vụ của nhà giảng thuyết rất quan trọng, vì đòi phải có một sự chuẩn bị chu đáo như thế. Vậy, hỡi các bạn, các bạn ngạc nhiên làm chi nếu giáo thuyết của các bạn không mang lại hoa trái, vì khi đi giảng thuyết, bạn không đến từ sự thanh vắng, nhưng từ sự huyên náo của tâm hồn bạn, không từ những người thân cận đức hạnh, nhưng từ những bầu bạn kiêu sa. Để thành nhà giảng thuyết tốt, bạn phải xuất từ môi trường thanh vắng. Nếu Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, chỉ mới sắp sửa sai các môn đệ đi giảng, và để cho lời giảng của họ mang lại kết quả, mà Người đã thức trọng đêm cầu nguyện, thì nhà giảng thuyết khó khăn sẽ làm được gì ? Nếu bạn không từ hoang địa mà đến, lời giảng của bạn sẽ không mang lại hoa trái nào. Và vì bạn có tiếng của ông Gia-cóp và có tay của ông Ê-xau, bạn hãy cố gắng thành nhà giảng thuyết tài giỏi, tìm nơi thanh vắng cô quạnh chuyên chăm cầu nguyện, bằng không, bạn sẽ không thể lãnh phần thưởng dành co các nhà giảng thuyết tài đức.

Thiên Chúa đã đặt ông Gio-an trong bậc giảng thuyết, và bậc này là một khổ chế lớn đối với ông. Quả vậy, mỗi bậc đều mang theo một sự khổ chế nào đó, nếu thực là do bởi Chúa đến. Đặt bạn vào thập giá nào để trong đó bạn làm tôi Chúa là việc của Chúa, bạn không có quyền chọn ; dù cho bạn chọn thập giá nặng hơn, bạn cũng không nhờ đó mà được cứu chuộc, bởi vì Thiên Chúa không đặt bạn trong thập giá ấy. Người thanh niên đã tự hiến mình để ngưỡng vọng uy quyền Chúa Ki-tô : Thưa Thầy, Thầy đi đâu, con sẽ theo đi đấy. Nhưng chính Chúa Ki-tô đã không chấp nhận, bởi vì anh ta không có quyền làm như vậy, mặc dù anh ta tự ý hiến mình theo Chúa trong mọi sự.

Việc khổ chế của thánh Gio-an làm cho các thiên thần trên trời và ma quỷ trong hoả ngục phải kính sợ, khi thấy một vị trước khi sinh ra đã là thánh, một người không hề phạm tội trọng, mà chịu khổ đến như vậy. Khổ chế vì những tội nào ? Tuyệt nhiên ta không hề biết. Như thế hiểu được rằng con người ấy nghĩ gì về sự công chính của Thiên Chúa, nghĩ gì về sự công thẳng của Thiên Chúa, một con người đã xử với chính bản thân mình như thế mặc dù chẳng có tội gì, con người ấy nghỉ thế nào về cuộc đời trần thế này cũng như về sự xa hoa thế tục ?

Do những từ bỏ triệt để của thánh nhân như vậy, chúng ta có thể phóng đoán thánh nhân đã áp một tai vào cửa hoả ngục để nghe những tiếng khóc than vô phương an ủi, còn tai kia lắng nghe những tiếng ca hát từ vinh phúc trên trời vọng ra. Và vì thế, thánh nhân đã thực hiện những khổ chế nhiệm nhặt như vậy để khỏi phải chịu hình khổ hoả ngục, và khỏi mất vinh phúc thiên đàng. Như vậy, tư tưởng về đức công minh của Thiên Chúa đã thấm sâu vào lòng thánh nhân biết chừng nào.

Bạn hãy xem thánh Phao-lô nói về mình : Quả thật, lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi nghĩ là đã được công chính hoá, Đấng phán xét tôi chính là Chúa. Lại nữa, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng nói : Hãy lập vọng canh, hãy đặt cho mình những đắng cay khổ nhục, hãy để ý đến đường ngay thẳng con đã theo. Hỡi tội nhân, hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần phán dạy, hãy đứng nơi vọng canh mà suy tư, chịu đựng cam go khổ chế, hãy suy nghĩ đến hoả ngục, hãy nhớ đến thiên đàng. Được nâng đỡ bằng lý lẽ ấy, con hãy lưu tâm đến đường con đi, và trù liệu sao để bước, vào con đường chắc chắn, và cố gắng kẻo lạc đường hư vong.

Xướng đáp x. Mt 25,20

X

Vị thánh này đã vào hưởng hoan lạc cùng với các thiên thần, nên đáng dược người đời kính nhớ.

*

Vì chỉ có thân xác người ở trong cuộc lữ hành trần gian này, còn tâm trí và ước vọng đã sinh hoạt nơi quê hương vĩnh cửu.

Đ

Thoát ly khỏi xiềng xích xác thịt, người đã dâng lại Chúa gấp đôi số nén bạc đã nhận lãnh. *

Lời nguyện

Lạy Chúa là Đấng toàn năng và nhân hậu, Chúa đã phú ban cho thánh Lu-y lòng kính sợ Thánh Danh Chúa ; xin đốt lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa thần linh ấy, để chúng con trung thành phục vụ Chúa với tất cả lòng yêu mến và kính sợ như những người con thảo. Chúng con cầu xin