Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 13 tháng 5

Chân phước I-men-đa Lam-bê-ti-ni, đan sĩ, trinh nữ

lễ nhớ tự do

I-men-đa, khi còn ở ngoài đời gọi là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na Lam-bê-ti-ni, sinh bởi cha mẹ thuộc hàng quý tộc, tại Bô-lô-ni-a, vào đầu thế kỷ XIII. Ngay từ thuở thiếu thời đã được nhận vào đan viện Van-li Pê-tơ-ra gần Bô-lô-ni-a, như một “nữ đan sĩ” Dòng Thánh Đa Minh. I-men-đa cũng đã qua đời tại đan viện này ngày 12-5-1333, hai ngày trước lễ Thăng Thiên, và lúc còn trẻ tuổi, sau khi rước Mình Thánh Chúa cách lạ lùng, như ký sự thời ấy truyền lại.

Trong chư thánh danh mục (Martyologio) của đan viện có ghi rằng : “Ngày mồng 4, trước rằm tháng 5 (tức ngày 12-5), chị I-men-đa Lam-bê-ti-ni đã qua đời. Khi chị còn sống, Bánh Thánh từ trời ngự xuống đã được linh mục đón nhận và trao cho chị, trước mặt nhiều người”. Ký sự còn thêm : “Và tức khắc, chị trút hơi thở cuối cùng.”

Thi hài chị được an táng trọng thể tại nữ đan viện thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, tại nội thành Bô-lô-ni-a. Vì năm 1566, theo lệnh Đức Pi-ô V, các nữ đan sĩ di chuyển về đó, cho tới khi Na-pô-lê-ông bãi bỏ các Dòng Tu, thì được đưa về nhà thờ thánh Xi-gít-mun-đô, hiện còn được giữ ở đây cho giáo dân tôn kính.

Việc tôn kính chân phước I-men-đa đã được Đức Lê-ô XII châu phê ngày 20-12-1826. Đức Pi-ô X đặt chân phước I-men-đa làm bổn mạng các thiếu nhi rước lễ lần đầu.

Bài đọc 2

Hội Thánh theo Chúa Ki-tô là Đấng Lang Quân độc nhất

Trích sắc lệnh Đức mến trọn lành (ss. 1.5.6.12.25), của công đồng Va-ti-căng II.

Ngay từ thời sơ khai, Hội Thánh đã có những người nam cũng như nữ, bằng việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm, quyết tự nguyện theo Chúa Ki-tô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước người khắng khít hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa. Trong số đó, có nhiều người được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hoặc đã theo đuổi đời sống cô liêu tịch mạc, lập ra những Dòng Tu mà Hội Thánh đã vui lòng dùng quyền của mình để đón nhận và phê chuẩn. Từ đó, bởi thánh ý Thiên Chúa, nảy sinh rất nhiều Hội Dòng khác nhau, đem lại nhiều ích lợi, đến nỗi nhờ đó, Hội Thánh chẳng những được trang bị đầy đủ, hầu thi hành mọi việc thiện và sẵn sàng chu toàn nhiệm vụ kiến tạo Thân Thể Chúa Ki-tô, mà còn được con cái tô thắm bằng những ân huệ khác nhau, để như một hiền thê trang điểm xinh xắn, ra mắt Lang Quân mình (Kh 12,2). Lại nhờ đó, đức khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa được tỏ hiện.

Chính giữa biết bao ơn huệ khác nhau đó, kẻ được Thiên Chúa gọi thực hành và quyết tâm sống trung thành giữ các lời khuyên Phúc Âm, đều hiến thân cho Chúa cách đặc biệt, noi theo Chúa Ki-tô, Đấng khiết trinh và khó nghèo (Mt 8,20 ; Lc 9,58). Bởi vâng lời Chúa Cha cho đến chết trên thập giá (Pl 2,80), người đã cứu chuộc và thánh hoá nhân loại. Được thúc đẩy như thế bởi đức mến, mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng ta (Rm 5,5), họ càng ngày càng sống cho Chúa Ki-tô và Thân Thể Người là Hội Thánh. Bởi đó, họ càng nồng nàn kết hợp với Chúa Ki-tô bao nhiêu, qua sự dâng mình, gồm trọn cả cuộc sống, thì đời sống Hội Thánh càng phong phú hơn và việc tông đồ của Hội Thánh càng dồi dào mãnh liệt hơn bấy nhiêu.

Tu sĩ của bất cứ Hội Dòng nào cũng phải ghi tâm điều này : chính nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm mà mình đã đáp ứng ơn thiên triệu. Vì thế, chẳng những phải chết đi cho tội lỗi, nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa.

Thật vậy, họ đã tận hiến toàn thể cuộc đời để làm tôi Thiên Chúa. Và sự tận hiến ấy đã thật sự tạo nên một hiến lễ đặc biệt, ăn sâu trong hiến lễ ngày chịu thánh tẩy, đồng thời biểu lộ hiến lễ này cách trọn hảo hơn.

Những ai khấn giữ lời khuyên Phúc Âm, đều phải tìm hiểu và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, vì Người đã yêu chúng ta trước (1 Ga 4,10). Trong mọi hoàn cảnh phải cố gắng phát triển đời sống ẩn náu của Chúa Ki-tô trong Thiên Chúa. Vì đó là nguồn mạch và động lực phát sinh tình yêu tha nhân, nhằm cứu rỗi nhân loại và xây dựng Hội Thánh. Cũng chính đức mến này làm linh động và điều khiển việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm.

Đức Khiết Tịnh vì Nước Trời mà các tu sĩ khấn giữ phải được quý trọng như một ơn huệ cao cả của ơn thánh. Thật vậy, ơn ấy giải thoát lòng con người cách đặc biệt để nồng nàn mến Chúa và yêu người hơn. Vì thế, đức khiết tịnh là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời và cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ. Do đó, họ gợi ra trước mặt mọi người Ki-tô hữu sự kết hiệp lạ lùng do Thiên Chúa thiết lập, và sẽ tỏ hiện đầy đủ ở đời sau, là Hội Thánh được nhận Chúa Ki-tô làm Đấng Lang Quân độc nhất của mình.

Xướng đáp

X

Ôi kiều diễm thay trinh nữ của Chúa Ki-tô !

*

Ngài đã xứng đáng lãnh nhận triều thiên Chúa ban, triều thiên đồng trinh vĩnh cửu. Ha-lê-lui-a.

Đ

Không gì có thể giựt mất ngành thiên tuế đức đồng trinh của Ngài, cũng chẳng có thể làm cho Ngài xa lìa tình yêu của Con Thiên Chúa. *

Lời nguyện

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đón nhận chân phước I-men-đa vào Nước Trời, sau khi chân phước đã được nung nấu bằng lửa mến nơi Bàn Tiệc Thánh Chúa. Vì lời người chuyển cầu, xin cho chúng con tiến đến Bàn Tiệc Thánh với cũng một lòng sốt mến, để mai sau đáng được sống mãi cùng Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.