Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 10 tháng 6

Chân phước Gio-an Đa Minh, Giám mục

lễ nhớ

Gio-an sinh tại Phi-ren-xê, khoảng năm 1355. Lên 17 tuổi, người gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết tại tu viện thánh Ma-ri-a Nô-ven-la. Người hết sức ủng hộ công cuộc cải tổ do chân phước Rây-mun-đô Ca-pu-a khởi xướng sau “dịch đen” năm 1348, và thực hiện cuộc cải tổ ấy nơi nhiều tu viện, đến nỗi người được coi là “người khởi xướng phong trào cẩn thủ kỷ luật tại nước Ý”. Năm 1395, người cộng tác với một số môn đệ của thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na, mà người rất kính trọng, để xây cất nữ đan viện Thánh Thể cho chị em Đa Minh ở Vê-nê-di-a. Công việc tông đồ đó bị đình chỉ bất ngờ năm 1399 vì chính quyền cho rằng người đã coi thường lệnh cấm.

Trong 5 năm bị trục xuất, người về Phi-ren-xê chuyên việc giảng thuyết, nổi tiếng hùng biện và tận tình với các linh hồn. Người quan tâm đến các vấn đề đức tin và phong hoá do thuyết nhân bản đặt ra. Người biên soạn tác phẩm “Ánh trăng non” đặt nền tảng cho việc giáo dục Ki-tô giáo. Năm 1406, người được nhân dân Phi-ren-xê cử làm sứ giả đến Rô-ma tìm cách chấm dứt chuyện ly giáo. Đức Giáo Hoàng mới đắc cử Ghê-gô-ri-ô VII rất tín nhiệm người, nên chọn người làm cố vấn riêng. Và năm 1408 đặt người làm Tổng Giám mục Ra-gu-xa, rồi thăng chức Hồng Y hiệu toà thánh Xít-tô.

Chân phước Gio-an Đa Minh tỏ ra khôn ngoan và trung thực, nhất là trong thời kỳ đầy cam go của công đồng Công-tăng-ti-nô. Đức Tân Giáo Hoàng Mác-ti-nô V cũng tín nhiệm, đặc cử người làm sứ giả sang Bô-hê-mi-a và Hung-ga-ri để phi bác giáo phái Hu-xít. Đang khi lo việc này, người qua đời tại Bu-đa ngày 10-6-1419. Ngày 9-4-1832, Đức Ghê-gô-ri-ô XVI đã chuẩn y việc tôn kính chân phước Gio-an Đa Minh.

Bài đọc 2 (1/2)

Đức mến cao trọng hơn

Trích tác phẩm Về tình yêu đức mến của chân phước Gio-an Đa Minh, Giám mục.

Đức tin và đức cậy chỉ có nơi loài người, còn đức mến ở trong Thiên Chúa. Đức tin có thể chuyển núi dời non, nhưng đức mến lại tạo dựng núi non và trời đất. Đức tin khuyên nhủ tạo vật chuyên cần cố gắng đạt tới Thiên Đàng, còn đức mến thì xin Thiên Chúa như Đấng thiêu đốt thương ngự xuống trái đất, để nhân loại nhờ con đường đức mến của người tiến về thiên quốc.

Đức tin nói : hỡi con người, hãy phụng sự Thiên Chúa cho phải đạo ; đức mến lên tiếng : lạy Chúa, xin Ngài nhập thể làm người và giúp đỡ loài người, vì họ mắc nợ Ngài nhiều hơn phần họ có.

Đức tin nói : người ơi, hãy gõ, cửa trời sẽ mở cho người. Đức mến lên tiếng : lạy Chúa, xin mở tung cửa trời cho loài người thấy trời đã mở. Đức tin dạy loài người chết vì yêu Chúa, đức mến nài xin Chúa chết vì loài người và mời gọi loài người chết vì Thiên Chúa. Đức tin tỏ cho loài người thấy Thiên Chúa từ xa, đức mến lại dẫn loài người tới gần Thiên Chúa, và làm cho Thiên Chúa hoá thành người và con người được thần hoá.

Đức tin chỉ làm chủ và cai trị ở trần gian, là nơi chúng ta không có thành trì vững chắc – nhưng vẫn mong đợi thành trì tương lai – còn đức mến là Nữ hoàng cai trị cả trời đất. Đức tin là kiều cư, còn đức mến mới đích thực là công dân. Đức tin cai trị nhiều thụ tạo thấp hèn, đức mến lại là Nữ hoàng của thiên thần. Đức tin có quyền trên các nô bộc, còn đức mến điều khiển con cái yêu quý và thánh thiện.

Hãy thận trọng suy nghĩ điều này : giả sử vũ trụ của chúng ta ở trong mặt trời thì nhờ đâu mà vũ trụ được sưởi ấm, hoan hỷ và điều khiển ? Hẳn không nhờ tia sáng, nhưng chỉ nhờ yếu tính của mặt trời, vì mặt trời bao hàm vũ trụ trong yếu tính của mình. Nhưng mặt trời không thể soi sáng, sưởi ấm, làm vui tươi và điều khiển vũ trụ chúng ta, vì mặt trời không thể đích thân đến với chúng ta, mà là nhờ các tia sáng. Hãy suy nghĩ về Thiên Chúa tương tự như thế và cao hơn nữa.

Như mặt trời phát ra tia sáng, Chúa Cha cũng sinh Ngôi Lời hằng hữu và đồng yếu tính. Như mặt trời và tia sáng phát ra sức nóng cùng một yếu tính, Chúa Cha và Ngôi Lời cũng nhiệm xuất Chúa Thánh Thần : như mặt trời thần linh ấy là quyền năng, ánh sáng và lửa nóng, thì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là quyền năng, chân lý và tình yêu. Một Thiên Chúa nhưng Ba Ngôi, thành thử mặt trời thần linh ấy toàn thể là quyền năng, toàn thể là ánh sáng, toàn thể là lửa hồng. Không phải là ba quyền năng, nhưng là một ; không phải là ba ánh sáng, nhưng là một ; không phải là ba lửa nóng, nhưng là một.

Tuy nhiên, tới đây nảy sinh một nghi vấn nhỏ. Đã nói tất cả chúng ta ở trong Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu, thì có thể coi như tất cả chúng ta đều ở trong tình yêu. Và như thế, tất cả ở trong chân lý và quyền năng chân thật nữa. Nhưng điều đó không đúng, vì chỉ có ít người sống đức mến. Ngược lại, nhiều người vướng mắc lầm lạc và lừa đảo, và đông hơn nữa, lại yếu đuối và mỏng giòn.

Trước hết, tôi xin dùng ví dụ để trả lời. Nhiều con cá ở dưới mặt trời, nhưng vì ngâm mình dưới nước, chúng không bị đốt nóng. Nhiều người mù ở giữa ánh sáng mà đâu có trông thấy. Nhiều chum vại chứa thức ăn mà đâu có biết ăn. Do đó, phải suy : không phải hễ ở chỗ nào thì cũng đủ để hưởng hiệu năng của chỗ đó mà không cần chuẩn bị đầy đủ. Người đau nặng có ăn cũng vô ích, xác chết có đặt vào lửa cũng không thấy nóng, có người phơi nắng liên miên, nhưng không ngừng tưới nước rất lạnh lên mình thì đâu thấy nóng, mà còn không ngớt run lẩy bẩy nữa.

Cũng vậy, dầu ở trong lửa thần linh – thứ lửa không sưởi ấm thân thể, nhưng đốt nóng linh hồn – mà cứ tiếp tục tưới linh hồn bằng mưa đá của xác thịt, băng giá của trần tục và gió lộng của cám dỗ, thì ta chẳng nhận được ân phước từ ánh lửa thần linh đó đâu. Chúng ta cần giữ linh hồn xa những thứ kể trên, ắt sẽ không còn ai tránh khỏi sức nóng của ánh lửa ấy nữa, như lời tác giả thánh vịnh dạy.                         

Xướng đáp 1 Tm 1,12.5 ; 2 Tm 2,3

X

Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi,

*

vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. (Ha-lê-lui-a).

Đ

Là tinh binh của Đức Ki-tô, tôi đồng lao cộng khổ trong một đức mến, phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình. *

Bài đọc 2 (2/2)

Chúng ta tuyên khấn với Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a, và thánh Đa Minh, là những vị bảo lãnh cho sự trung tín của chúng ta

Trích khảo luận của chân phước Gio-an Đa Minh Về sự bó buộc của Hiến Pháp Dòng Anh Em Giảng Thuyết.

Đối với câu hỏi “Hiến Pháp Anh Em Giảng Thuyết” có bó buộc những người tuyên khấn không”, chắc chắn chúng ta phải trả lời “Có”. Điều này là hiển nhiên vừa do bản văn các chỉ thị, lệnh cấm, lệnh truyền, cũng như do lý lẽ.

Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong lời mở đầu Hiến Pháp : “Chúng tôi không muốn những điều khoản này buộc thành tội, nhưng chỉ buộc thành hình phạt, trừ trường hợp đó là lệnh truyền thẳng hay vì khinh thường.” Nói chung, mỗi người bị ràng buộc vào điều có liên quan đến lợi ích riêng và cách cư xử tốt đẹp của mình hơn là của người khác.

Tôi muốn đặt câu hỏi : khi đọc “Tôi xin hứa vâng lời Thiên Chúa”, thì trước hết lời khấn đó liên hệ tới điều gì ? Có nghĩa là “Tôi xin hứa vâng lời Thiên Chúa và các thánh khác được nêu danh, theo Tu Luật và Hiến Pháp”, hay chỉ đơn thuần là “Tôi buộc phải vâng lời Thiên Chúa một lần nữa ?”

Theo cách giải thích thứ nhất, người ta đặt lên Thiên Chúa một điều luật hạn chế, theo đó, Thiên Chúa không thể đòi hỏi điều gì khác ngoài những điều đã ghi trong Hiến Pháp. Theo cách giải thích thứ hai, một người bị lời khấn ràng buộc phải tuân giữ Tu Luật và Hiến Pháp. Cách giải thích thứ nhất vô lý ; cách thứ hai là một sự bó buộc có tính chất sợ hãi và quá nặng nề.

Chúng ta có thể suy nhgĩ bất cứ điều gì về đức tuân phục được khấn hứa với Thiên Chúa, vậy chúng ta sẽ nói gì về lời khấn với Đức Trinh nữ vinh hiển khi chúng ta đọc “và Đức Ma-ri-a ?” Nếu mệnh đề này chỉ về những lệnh truyền quá khứ hay tương lai của Đức Mẹ, thì không thể biết được liên quan đến những gì.

Cuối cùng, chúng ta đọc “và thánh Đa Minh”. Ước mong chúng ta tin rằng chúng ta hứa theo đuổi những nguyện ước của Thánh Phụ Đa Minh như đã được mô tả trong ngôn từ và đời sống của người ! Vì Dòng Tu đông đảo của thánh Đa Minh trổ sinh được những bông hồng và bông huệ, bông tím và bông vàng, toả hương thơm ngọt ngào như cây quế và cây thông, không ngừng làm nảy sinh từ sa mạc một cột khói hương trầm nghi ngút, tức là đời sống của các phần tử trong Dòng.

Vì thế, chúng ta phải nói : do lời khấn của chúng ta, ba Đấng ấy trở nên những người bảo đảm cho lời tuyên hứa, là nhân chứng, và vị nhận lời khấn trở nên người bảo lãnh, như đã xảy ra với những giao ước thiêng liêng trong Cựu Ước và Tân Ước. Nếu, sau khi đã nại đến ba Đấng ấy làm nhân chứng, mà rồi người ta không giữ điều đã khấn, thì đó là một điều xúc phạm và phủ nhận lời khấn ; hơn thế, việc đó còn là lời mời các ngài xét xử mình.

Hãy xem ý nghĩa biết bao khi chúng ta, cùng với những người chung quanh, tuyên ba lời khấn, chỉ nêu danh ba Đấng : Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a, và thánh Đa Minh, mà không phải là thánh Âu-tinh, vị mà chúng ta tuyên khấn chủ yếu tuân giữ tu luật của người. Bởi vì, chúng ta biết rằng, về đức thanh bần, thánh Âu-tinh không phải là không có của cải ; về đức khiết tịnh, thánh nhân đã không giữ khiết tịnh trước khi được rửa tội, vì người đã có một người con tên là A-đê-ô-đa-tô ; còn về đức tuân phục, thánh nhân không phải là bề dưới, nhưng là một giám chức cai quản những người khác.

[Ba Đấng mà chúng ta tuyên khấn, là những Đấng rất hoàn hảo trong việc tuân giữ ba lời khấn.

Về đức thanh bần, rõ ràng : Con Thiên Chúa làm người không có chỗ dựa đầu ; về đức khiết tịnh, Người là Đấng đồng trinh, sinh bởi người đồng trinh ; về đức tuân phục, Người đến không phải để làm theo ý mình, nhưng theo ý Chúa Cha.

Đối với nhân chứng thứ hai là Đức Ma-ri-a, chúng ta phải nhìn nhận rằng : thuở thiếu thời và thanh xuân, Người vâng theo sự dạy dỗ của thầy thượng tế, đó là bằng chứng hiển nhiên về đức tuân phục ; Người không biết đến việc vợ chồng, đó là bằng chứng đức khiết tịnh ; và Người yêu mến đức thanh bần đến nỗi Người không đủ khả năng để mua một chú chiên con làm lễ vật thay cho Con mình, mặc dù trước đó ít lâu, Ba Vua đã dâng kính Người những lễ vật sang trọng.

Thánh Đa Minh, nhân chứng thứ ba, là gương mẫu sáng ngời về đức thanh bần. Người giữ gìn đức khiết tịnh cho đến tuổi già. Người tăng tiến trong đức tuân phục, và yêu mến nhân đức này đến nỗi mặc dù đầy khôn ngoan và Thánh Thần, người cũng không muốn soạn thảo tu luật. Thay vào đó, người chọn một bản luật có sẵn để vâng phục, trước khi người được anh em vâng phục. Người luôn luôn từ khước việc lãnh đạo Dòng, vì người nhiệt tình phục tùng anh em qua thiện ích của đức tuân phục]. 

Xướng đáp 2 Tm 1,9.10

X

Thiên Chúa đã dùng ơn gọi thánh thiện của Người mà kêu mời chúng ta, theo ân sủng của Người, ân sủng đó giờ đây mới được tỏ lộ.

*

Nhờ sự xuất hiện của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Đ

Người đã tiêu diệt thần chết, đã làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. *

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã ban cho chân phước Gio-an Đa Minh sự khôn ngoan và lòng bác ái để can đảm bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội và củng cố tinh thần kỷ luật. Nhờ lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con biết không ngừng tìm kiếm sự hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin