Ngày 5 tháng 5
Thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô, linh mục
lễ nhớ
Thánh Vinh Sơn sinh năm 1350 tại Tây Ban Nha. Năm 17 tuổi, Người gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, và sống đời thiêng liêng kỷ luật nhiệm nhặt, như thấy rõ trong sách “Đời sống thiêng liêng” của Người. Lúc đầu, Người chuyên dạy Triết và Thần học, từ năm 1380 đến 1390 lại đảm trách nhiều nhiệm vụ khác do Hồng Y sứ thần Phê-rô Lu-na và Vua Gio-an I nước A-ra-gông trao nhằm điều hợp những công việc giữa chính quyền và giáo quyền. Đang khi đó, Người cũng tận tuỵ giảng thuyết nhiều nơi, trước hết tại điện Giáo hoàng ở A-vi-nhông, rồi sau ở khắp miền Nam nước Pháp, và ở nước Ý cho đến năm 1399. Từ đó Người dồn hết tâm lực đi giảng thuyết lưu động, với tư cách là “Đặc sứ của Chúa Ki-tô”, do chính Chúa đặc biệt uỷ nhiệm, như Người đã chứng minh trong thư gửi nguỵ Giáo hoàng Biển Đức XIII.
Sau khi bỏ nguỵ Giáo hoàng – mà trước đó Người ngay tình phò theo – thánh nhân đã tận lực hoạt động để Giáo hội, đang bị nạn ly giáo xâu xé, được bình an và hiệp nhất. Được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và có đủ năng quyền của Tông Toà, Thánh Vinh Sơn đã du thuyết khắp Tây Âu, trở thành một nhà thuyết giáo vĩ đại đầy đoàn sủng, và đem lại nhiều lợi ích cho các linh hồn.
Người qua đời ngày 5 tháng 4 năm 1419 tại Van, nước Pháp. Ngày 29 tháng 6 năm 1455, Đức Giáo hoàng Ca-lít-tô III đã ghi tên Người vào sổ bộ các hiển thánh.
Bài đọc 2 (1/3) | Mùa Chay |
Ba thứ vinh quang của thập giá.
Trích bài giảng của thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô.
Ước chi tôi không hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Đó là nguyên văn trích thư gửi giáo đoàn Ga-la-ta. Đó cũng là đề tài bài giảng này. Xin bàn về lời đầu theo cương vị Chúa Ki-tô thụ hình thập giá. Chúa nói : “Ước chi tôi không…” Thật ra, đọc Kinh Thánh ta thấy rõ, khi Chúa sống giữa người Do-thái, tính mạng Người đã nhiều lần lâm nguy : họ đã mưu giết Người nhiều cách ; nhưng Người chỉ chấp nhận chết trên thập giá, nên đã thoát khỏi hoặc đã dùng phương sách nào đó mà tránh những cái chết khác.
Tính mạng Chúa lâm nguy lần đầu khi mới sinh. Lúc đó Hê-rô-đê, người ngoại bang, dựa vào ân huệ của hoàng đế Rô-ma mà cai trị dân Do-thái. Khi nghe các vua Đông Phương báo tin ấu vương Do-thái mới sinh ra và được các kinh sư chỉ rõ nơi sinh nữa, liền quyết tâm giết ấu vương, nên đã sai lính tàn sát mọi trẻ em thành Bê-lem và lân cận. Quả thật, sự việc xảy ra như vậy. Nhưng thiên thần Chúa hiện ra cùng thánh Giu-se bảo phải đưa Hài Nhi và Thánh Mẫu trốn sang Ai-cập. Thế là Chúa Ki-tô thoát chết. Và ứng nghiệm lời tiên tri trong sách Gióp : Người ta tuốt gươm giết các trẻ em, duy mình tôi thoát nạn.
Tính mạng Chúa Ki-tô lâm nguy lần thứ hai khi Người bị xô xuống vực như thánh Lu-ca tường thuật. Quả thật, Chúa Ki-tô đã sinh tại Bê-lem, trưởng thành tại Na-da-rét, nên mới gọi Người là Giê-su người làng Na-da-rét. Khi thấy Người khởi sự rao giảng và làm phép lạ tại Ca-phác-na-um, những người đồng hương nói về Người : Chúng tôi đã nghe ông làm biết bao chuyện ở Ca-phác-na-um, xin ông cũng làm như thế tại quê nhà. Chúa Ki-tô thẳng thắn trả lời rằng họ không đáng, vì họ đã không tin Người. Họ mỉa mai rằng : Ông này không phải là con bác thợ mộc và bà Ma-ri-a sao ? Tất cả đều tức giận, chỗi dậy, đẩy Người ra ngoài thành, đưa lên triền đồi – chỗ xây tường thành – để xô Người xuống. Nhưng Chúa đã biết mất ngay trước mặt họ, khiến họ phải hỏi nhau : Ông ấy đâu rồi ? Còn Chúa Giêsu, Người băng qua giữa họ mà đi. Tại sao Chúa không muốn chết cách đó ? Giả sử Người muốn, cái chết ấy cũng cứu toàn thế giới. Nhưng sở dĩ Người không muốn như thế là để cho ta một bài học.
Tính mạng Chúa Ki-tô lâm nguy lần thứ ba khi Người bị ném đá như thánh Gio-an tường thuật. Vì lúc đó Chúa Ki-tô giảng cho người Do-thái về thành đô của họ : Quả thật, tôi nói thật với các ông, ai tuân giữ lời tôi sẽ đời đời không phải chết.
Sau hết, tính mạng Chúa lâm nguy khi chịu đóng vào thập giá. Đây là cách chết Người ưng ý và đã chấp nhận. Người Do-thái thấy không thể giết Chúa bằng cách xô đẩy, ném đá hay đầu độc, nên bảo rằng : “Hắn phải chết treo trên thập giá, hoặc phải đóng đinh hắn” ; và họ đã sắm sẵn thập giá. Vậy khi còn giảng tại Ga-li-lê, Chúa Ki-tô biết người Do-thái đang chuẩn bị thập giá nên Người nói với môn đệ : Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, ở đó Con Người sẽ bị nộp cho các tư tế, trưởng lão và các ký lục, họ sẽ lên án tử cho Người. Như vậy Chúa đã không bị cưỡng bức, nhưng tình nguyện đi chịu chết trên thập giá, nên khi Phi-la-tô tuyên án, Người đã không chống án, cũng chẳng tự bào chữa, nhưng theo lời thánh Gio-an, Người tự vách lấy thập giá, ra đi đến nơi gọi là Núi Sọ.
Tại sao cách chết này lại hợp ý Chúa hơn ? Xin thưa, như anh chị em đã biết, mọi sự dữ phần hồn, như tội ngu muội hoặc khuynh hướng xấu, cũng như sự dữ phần xác, như bệnh tật, đau đớn, khổ nhục và cái chết, đều do tội A-đam và E-và, tức là tội ăn trái cấm.
Vậy Chúa Ki-tô đã đến để sửa chữa mọi sự dữ cả hồn lẫn xác. Chính Người là trái phúc ; về trái phúc ấy có lời nói cùng Đức Ma-ri-a rằng : Trái phúc của lòng Bà được chúc tụng ; trái phải trở về cây ; truyện tích cổ Hy-lạp cho rằng cây thập giá đã làm bằng gỗ của chính cây A-đam đã ăn trái. Vì thế khi Chúa Ki-tô chịu treo trên thập giá, trái đã được hoàn lại cho cây. Và Chúa đã chữa mọi sự dữ phát sinh từ tội A-đam, theo thứ tự : hồn trước, xác sau.
Trước hết, Chúa Ki-tô chữa trị sự dữ phần hồn khi dùng phép Rửa ban linh dược thứ tha mọi tội lỗi, đồng thời phục hồi ơn hiểu biết bằng cách loan báo cho ta vinh quang thiên quốc. Mai ngày khi Chúa đến để phán xét chung, Người sẽ chữa trị ta mọi sự dữ phần xác, khi cho ta được sống lại, hết khổ nhục và được bất tử. Đó là lý do Chúa vui lòng chết trên thập giá.
Xướng đáp
X |
Người xa lánh những quyến rũ của trần gian, |
* |
Soi sáng miền Tây Âu, |
Đ |
Đạo lý Người sáng hơn mặt trời, |
Bài đọc 2 (2/3) | Mùa Phục Sinh |
Hoạt động tông đồ của một tu sĩ Dòng Giảng Thuyết
Thư thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô, linh mục, gửi cha Puy-noa, Bề trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết.
(Có thể đọc phần A hoặc phần B, rồi tiếp phần C).
Kính thưa cha Bề trên Tổng quyền.
Công việc bề bộn vô kể khiến con không có thời giờ viết thư hầu Bề trên cho phải đạo làm con. Con xin thú thật : Từ ngày rời miền Rô-man đến nay, ngày nào con cũng phải giảng, thường là hai lần, có khi tới ba lần, cho dân chúng từ khắp nơi lân cận tuôn tới ; lại còn long trọng cử hành thánh lễ mỗi ngày nữa, đến nỗi hầu như con không có thời giờ để đi đường, ăn uống, ngủ nghỉ, và làm những việc khác ; thậm chí con phải vừa đi đường vừa soạn bài giảng. Tuy nhiên, để khỏi mắc lỗi là biếng trễ hoặc coi thường không viết thư cho cha, nên giữa bao công việc bề bộn như thế, trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, mỗi ngày con cố bòn chút thời giờ để ít nhất trình lên cha Bề trên lộ trình con đã đi.
(A)
Thưa cha rất đáng kính.
Như cha đã biết, sau khi cha con ta chia tay nhau, con đã rời miền Rô-man đến miền Đô-phin ba tháng liền, và giảng lời Chúa khắp thành thị làng mạc và trang trại mà trước kia con chưa đến. Nhưng con đặc biệt ghé thăm ba vùng rất nổi tiếng của người lạc đạo trong giáo phận Em-bơ-rơn, đó là Lu-xê-na, Ác-hen-ti-na và Van-pu-rê. Thật ra, trước kia con đã tới nơi đó đôi ba lần rồi, nhờ ơn Chúa, họ đã sốt sắng và kính cẩn đón nhận lời giáo huấn và chân lý Công giáo ; tuy nhiên, con muốn ghé thăm lần nữa để củng cố và an ủi họ. Sau đó, thể theo thỉnh nguyện và yêu cầu của nhiều người, hoặc bằng lời nói hoặc bằng thư từ, con đã sang thăm miền Lôm-bác-đi-a. Tại đây, suốt mười ba tháng, con giảng thuyết ở khắp các thành thị làng mạc, và trang trại thuộc quyền cha và xa hơn nữa, nghĩa là sang tận lãnh thổ của Hầu tước Môn-phê-ra thể theo thỉnh nguyện và yêu cầu của chính Hầu tước và thuộc hạ.
Bên đất Ý, nhất là trong giáo phận Tu-ri-nô, con đã gặp nhiều làng theo giáo phái Van-đen và Ga-da-ri-ô ; con cũng lần lượt hoạt động trong các làng đó, đi đến đâu con cũng giảng đức tin và chân lý đạo Công giáo, đồng thời phi bác các điều sai lầm. Nhờ Chúa thương, dân chúng rất nồng nhiệt, thành tín và kính cẩn đón nhận đức tin chân thật. Quả có Chúa phù trợ và xác nhận lời con giảng.
Con đã tìm ra nguyên nhân chính đưa đến lạc đạo và sai lầm : đó là thiếu người giảng dạy. Thật vậy, dân cư ở đó đã thành thật cho con biết : suốt ba mươi năm qua, không có ai đến giảng cho họ, ngoại trừ giáo phái Van-đen, thường cử người từ A-pu-lê-a đến mỗi năm hai lần.
Thưa cha Bề trên đáng kính, như vậy cha thấy các giám chức và những người, do chức vụ hoặc nghiệp vụ, có trách nhiệm giảng dạy cho họ, lại cứ thích an nhàn nơi thành thị, trong những căn phòng khang trang, đầy đủ tiện nghi, thì mắc lỗi nặng đến mức nào ! Đang khi đó, các linh hồn đã được Chúa chịu chết để cứu chuộc, lại phải hư mất vì thiếu thần lương, thiếu người chia cớm sẻ bánh. Quả là lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, nên con cầu xin chủ ruộng phái nhiều thợ đến gặt lúa cho Người.
(B)
Con xin miễn trình bày chuyện một Giám mục lạc đạo ở Lu-phô-ri-ô tự ý đến tâm sự với con và đã trở lại. Chuyện các trường phái của Van-đen ở làng En-gơ-rôi-a đã bị dẹp tan ; chuyện những người lạc giáo Ga-da-ri-ô ở làng Pôn-ti đã rũ sạch mọi điều ghê tởm mà trở lại ; chuyện những người lạc đạo ở làng Lan-di – cũng gọi là làng Quin-ni, nơi trước đây những kẻ giết chân phước Phê-rô Ru-phi-a trú ẩn – đã tiếp đón con thật nồng nhiệt ; chuyện các phái Goen-phô và Ghi-bê-li-nô đã ngưng hoạt động như thế nào ; con cũng xin miễn nói đến việc Thiên Chúa đã đoái thương liên kết các giáo phái trên và vô số người khác lại với nhau để tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Xin chúc tụng Chúa trong mọi sự.
Sau mười ba tháng hoạt động liên tục tại Lôm-bác-đi-a, con đã đến miền Xa-voa được năm tháng rồi ; dĩ nhiên là cũng do nhiều Giám mục và lãnh chúa miền này yêu cầu. Con hăng say hoạt động trong bốn giáo phận lớn của miền Xa-voa là Xi-ông, A-ốt-ta, Ta-ren-tê, Mô-ri-en và Gơ-rê-nốp, mà phần lớn lãnh thổ nằm trong miền Xa-voa. Con rảo khắp các thành thị làng mạc và trang trại, tuỳ cơ mà giảng nhiều hay ít. Hiện con đang ở giáo phận Giơ-ne-vơ.
Tại những vùng này, con thấy một trong những điều lầm lạc quái gở được phổ biến rất rộng rãi là : hằng năm, sau lễ Mình Thánh Chúa, dân chúng tụ tập thành nhiều nhóm mừng thần Thái Dương, Anh Em Dòng chúng ta cũng như Anh Em Hèn Mọn, nhiều tu sĩ khác và các cha xứ đều cho con biết : họ sợ, không dàm giảng hoặc nói gì chống lại điều sai lầm đó, vì dân chúng doạ thủ tiêu, ngưng tài trợ và bố thí. Hiện nay, con đang dồn mọi nỗ lực chống lại điều sai lầm đó bằng cách giảng thuyết hằng ngày. Nhờ Chúa cộng tác và xác nhận lời giảng, điều lầm lạc đang thật sự bị tận diệt. Bây giờ dân chúng đến với con, hối hận vì mình đã tin tưởng một cách quá sai lầm.
Khi nào Chúa cho con diệt xong sai lầm ở đây rồi, tức khắc con sẽ tới giáo phận Lô-xan, nơi thần Thái Dương được dân chúng tôn thờ như Thiên Chúa, nhất là dân quê. Sáng nào họ cũng kính cẩn cầu khấn và vái lạy mặt trời. Thật sự, chính Đức Giám mục Lô-xan, sau hai ngày đường, đích thân khiêm nhu đến gặp con, tha thiết mời con đến thăm giáo phận, vì nhiều làng giáp ranh nước Đức và miền Xa-voa đã rơi vào lạc giáo. Con đã nhận lời và hứa sẽ tới. Tuy con nghe nói người lạc giáo ở đó liều lĩnh và táo bạo lắm, nhưng tín nhiệm vào lòng Chúa hằng thương xót, con dự định đến đó giảng thuyết suốt Mùa Chay này. Nguyện thánh ý Thiên Chúa trên trời thế nào được thể hiện như vậy.
(C)
Thưa cha Bề trên khả kính.
Cùng với tu sĩ An-tôn, bạn đồng hành, chúng con xin cha Bề trên cầu nguyện cho chúng con. Xin Thánh Tử của Đức Trinh nữ uôn gìn giữ cha để cha nêu gương mẫu duy trì kỷ cương thánh thiện của Dòng. A-men. [Chính tay con ký thư này, tại thành phố Giơ-ne-vơ ngày 17 tháng 12 năm 1403.
Đầy tớ vô dụng của Chúa Ki-tô và người con hèn mọn của cha.
Tu sĩ Vinh Sơn, Dòng Giảng Thuyết.
Xướng đáp | x. 1 Tx 1,9-10 ; 3,12.13 |
X |
Anh em đã trở lại cùng Chúa để phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật, mong đợi Con của Người từ trời ngự xuống, Đấng được Người cho phục sinh từ trong kẻ chết, |
* |
Đấng đã cứu ta thoát cơn thịnh nộ sắp đến, Ha-lê-lui-a. |
Đ |
Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau được đậm đà thắm thiết, cho anh em được bền tâm vững chí, thánh thiện trong ngày quang lâm của Chúa. * |
Bài đọc 2 (3/3)
Về cách giảng dạy
Trích sách Đời sống thiêng liêng của thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô, linh mục.
Khi giảng dạy và khuyên bảo, hãy dùng kiểu nói đơn sơ, trò chuyện thân mật, để giải thích các việc cụ thể phải làm. Mỗi khi có thể được, phải nhấn mạnh vào gương sáng, để ai có tội nào thì cảm thấy đau đớn như thể bạn chỉ giảng cho một mình người ấy vậy. Nhưng phải nói thế nào để rõ ràng lời bạn không phải do kiêu kỳ hay bực bội, một do lòng thương và tình cha mà ra. Bạn hãy giống như người cha, thấy con cái lỗi phạm hay đau nặng, hoặc rời xuống vực sâu, thì ra sức kéo chúng lên, cứu chữa chúng và vỗ về chúng như người mẹ, và như người sung sướng thấy chúng tiến bộ và hy vọng chúng được vinh hiển Thiên đàng.
Làm như vậy thường có ích cho người nghe ; bởi vì nếu chỉ nói chung chung về nhân đức hay về nết xấu thì chẳng đánh động được ai.
Trong toà giải tội cũng vậy : khi âu yếm khuyên bảo người nhút nhát, hay khi thẳng nhặt răn đe người cứng cỏi, luôn luôn bạn phải tỏ lòng nhân ái yêu thương, để tội nhân bao giờ cũng cảm thấy lời bạn là bởi tình thương mà thôi. Thế nên những lời âu yếm và êm ái bao giờ cũng phải đi trước những lời đau xót.
Như vậy, nếu bạn muốn có ích cho linh hồn người khác, trước hết bạn hãy hết lòng chạy đến với Thiên Chúa, và đơn sơ xin Người điều này, là thương đổ xuống lòng bạn tình bác ái yêu thương, là nòng cốt của hết mọi sự nhân đức, khiến bạn có thể làm được việc như lòng mong ước.
Xướng đáp | 2 Tm 4,2 ; Cv 26,20 |
X |
Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, |
* |
Với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. (Ha-lê-lui-a). |
Đ |
Tôi đã rao giảng cho các dân phải sám hối và trở về cùng Thiên Chúa. * |
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Vinh-sơn làm người loan báo Tin Mừng. Xin cho chúng con niềm hạnh phúc một ngày kia, trên thiên quốc, được chiêm ngưỡng thánh nhan Đức Ki-tô, Đấng đã được thánh nhân loan báo như Vị Thẩm Phán đến xét xử trần gian. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.