Thứ năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024

Ngày 8 tháng 8

Thánh Phụ Đa Minh, linh mục

đại lễ

Thánh Đa Minh sinh tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha, khoảng năm 1172-1173. Người học thần học tại Pa-len-xi-a, và nổi tiếng về lòng nhân ái đối với người nghèo. Là kinh sĩ tại Ốt-ma, người tiến đức nhiều nhờ chuyên chăm cầu nguyện ; là Bề trên Phó kinh sĩ đoàn (1201), người lãnh đạo rất khôn ngoan. Tại miền Tu-lu-dơ, nơi giáo phái An-bi gây nhiều xáo trộn, người đã trở thành một nhà giảng thuyết chuyên cần (1206), bằng gương sống thanh bần theo tinh thần Phúc Âm, và bằng cách đối thoại huynh đệ trong khi tranh luận về đạo lý. Người đã đưa ra một phương pháp mới để trình bày đức tin, phương pháp này đã được Đức Giáo Hoàng I-nô-xen-tê III chấp nhận. Người coi trọng phần đóng góp của phụ nữ trong việc truyền bá Phúc Âm, nên đã thiết lập nữ đan viện Pơ-rui (1206), để các nữ tu có phương tiện tiến đức và trợ lực các anh em giảng thuyết và, nếu cần, có thể làm nơi tá túc cho anh em nữa. Người mở rộng tay đón nhận những cộng sự viên hiến thân trong việc “rao giảng Chúa Ki-tô”, nên đã đặt nền tảng cho một Dòng mới, là thành lập tu viện cho anh em tại Tu-lu-dơ (1215).

Sống theo tu luật thánh Âu-tinh từ đời sống kinh sĩ tiến lên đời sống tông đồ, người lãnh nhận cho mình và cho Dòng mình nhiệm vụ giảng Lời Chúa, một nhiệm vụ thời ấy dành riêng cho các Giám mục. Đức Hô-nô-ri-ô III đã châu phê Dòng ngày 22-10-1216. Thế là tại Rô-ma, người được bảo đảm về sứ mạng phổ quát của Dòng (18-1-1217) ; tin tưởng vào ân sủng Chúa ban, và cậy trông vào sự bảo trợ của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, người sai phái anh em đi đến Âu Châu (15-8-1217), nhất là đi Pa-ri và Bô-lô-ni-a, là những trung tâm học vấn quan trọng thời đó. Còn người, người dành cho mình sứ vụ nặng nề tại miền bắc Ý, nơi đang bị giáo phái Ca-ta đầu độc.

“Người luôn nói với Chúa” để rồi có thể “nói về Chúa”. Bằng lời giảng sốt sắng, người đem Chúa đến cho người đời và nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, người dẫn đưa người đời về với Chúa. “Đâu đâu người cũng lấy lời nói việc làm, tỏ mình là con người sống tinh thần Phúc Âm. Không ai thông cảm và vui vẻ với anh em tu sĩ và những cộng sự viên hơn người. Người quả là vị an ủi tuyệt hảo.” Đa Minh qua đời tại Bô-lô-ni-a ngày 6-8-1221. Ngày 3-7-1231, người được Đức Ghê-gô-ri-ô IX, bạn thân của người từ khi còn là Hồng Y ở Ốt-xi-a Ti-bê-ri-na, ghi tên vào sổ bộ các thánh ngày 3-7-1234.   

Bài đọc 1     1 Cr 2,1-16

Ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển. Lẽ khôn ngoan ấy, không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Nhưng, như đã chép : Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.

Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người ? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí ; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí. Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó. Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người ? Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Ki-tô.

Xướng đáp 2 Tm 4,2.5 ; Rm 10,15

X

Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.

*

Hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng.

Đ

Đẹp thay bước chân các sứ giả loan báo Tin Mừng. *

Bài đọc 2 (1/4)

Phẩm hạnh của thánh Đa Minh

Trích sách Khai nguyên Dòng Anh Em Giảng Thuyết của chân phước Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a, linh mục.

Thánh Đa Minh rất mực đoan chính và nhiệt tình mến Chúa. Quả thật, người là chính nhân vật quân tử và đầy ân sủng, tựa như bình được cẩn bằng mọi thứ ngọc quý. Tâm hồn người luôn bình thản, và chỉ xúc động vì cảm thông và thương xót người đồng loại. Tâm hồn đã hoan lạc thì nét mặt vui tươi, nên người biểu lộ tâm trạng bình thản qua cách cư xử nhân từ và diện mạo hân hoan. Những gì người đã suy nghĩ trước mặt Chúa là nên làm, thì người giữ vững ý định đến độ, một khi đã bàn luận thích đáng và tuyên bố điều gì, hoạ hoằn lắm hay không bao giờ người chấp nhận thay đổi nữa. Như người ta thường nhắc lại : gương mặt người rất vui tươi hớn hở, luôn biểu lộ một lương tâm ngay chính, tuy nhiên gương mặt sáng ngời ấy không cúi gằm xuốt đất.

Nhờ tính tình vui vẻ, người dễ dàng thu hút lòng quý mến của mọi người. Thoạt thấy người, ai cũng đem lòng mộ mến. Bất cứ ở đâu, trên đường đi với các bạn đồng hành, hoặc nơi nhà trọ với chủ nhà và những người khác trong gia đình, hoặc ở giữa các bậc vị vọng quyền bính cũng như các vị lãnh đạo tôn giáo, người luôn luôn có sẵn những lời nói xây dựng, nêu gương lành, khuyến dụ người nghe thêm lòng mến Chúa Ki-tô, và coi khinh thế tục. Bằng lời nói về việc làm, đâu đâu người cũng tỏ mình là con người Phúc Âm.

Ban ngày không ai hoà nhã, vui vẻ với anh em và bạn bè bằng người. Ban đêm, không ai canh thức kiên trì và cầu nguyện nhiều cách như người. Người từng rơi lệ khi màn đêm buông xuống, hừng đông tới, người lại hớn hở vui tươi. Ban ngày, người phục vụ tha nhân, ban đêm, người phụng sự Thiên Chúa, vì biết rằng : Ban ngày, Chúa gửi tình thương xuống, ban đêm, con vang ca tán tụng Người. Đa Minh thường khóc và khóc sướt mướt, và nước mắt đã nên như bánh ăn cho người đêm ngày ; người khóc ban ngày, trong khi dâng thánh lễ ; ban đêm, trong những giờ canh thức không mệt mỏi, khi mọi người đã yên nghỉ. Người có thói quen hay thức đêm trong các thánh đường, nên hầu như không thấy, hoặc hoạ hằn mới thấy người ngủ trên giường. Người thường cầu nguyện ban đêm và thức khuya cho đến khi thân xác mỏng giòn không còn kham nổi. Khi thân xác rã rời, tâm trí mỏi mệt và buồn ngủ, thì người nghỉ một lát hoặc trước bàn thờ hoặc nơi nào khác, với hòn đá để gối đầu như tổ phụ Gia-cóp xưa.

Người rộng lòng bác ái đón nhận mọi người, và vì người yêu mến mọi người, nên được mọi người mến yêu. Vui cùng kẻ vui, khóc với người khóc, đó tôn chỉ của người ; giàu lòng từ bi, hết tình săn sóc tha nhân và xót thương những người túng cực. Người được mọi người tận tình quý mến vì nếp sống đơn sơ, không bao giờ tỏ ra một dấu ẩn ý hay giả dối nào, trong lời nói cũng như việc làm.

Người thật sự yêu quý đức thanh bần, nên chỉ dùng y phục tầm thường, rất tiết độ trong việc ăn uống, tránh cao lương mỹ vị, chỉ một món cháo thanh đạm người cũng lấy làm đủ, hoàn toàn chế ngự thân xác, người dùng rượu pha thật loãng để duy trì sức khoẻ thể xác, nhưng không làm nhụt khí sáng suốt minh mẫn.

Đã từng có ai theo nổi nhân đức của người chưa ? Chúng ta có thể thán phục và nhờ gương sáng của người mà suy nghĩ về sự nhu nhược của thời đại chúng ta. Làm được như người đã làm, không phải là do sức người đời, nhưng do ơn riêng Chúa ban, như thế phải là kẻ được Chúa nhân lành thương xót khấng đưa tới đỉnh thánh thiện như người.

Nhưng thưa anh em thân mến, chúng ta hãy ra sức theo vết chân Hiền Phụ, và đồng thời cảm tạ Đấng Cứu Chuộc đã ban cho chúng ta, các tôi tớ Người, một vị lãnh đạo thánh thiện như vậy trên con đường chúng ta đang đi.

Chúng ta hãy nguyện xin cha giàu lòng nhân từ hướng dẫn chúng ta sống theo tinh thần con cái Chúa trong những khuôn khổ mà cha ông chúng ta đã quy định, để xứng đáng thẳng tiến và đạt tới đích, là hạnh phúc vĩnh cửu, muôn đời hoan lạc, mà Thánh Phụ đã bước vào và được hạnh phúc đời đời.

Xướng đáp

X

Ôi hy vọng lạ lùng cha hứa

cho anh em lệ ứa trào dâng

khóc cha lìa thế, cha rằng :

thác rồi, cha sẽ đổ tràn ơn thiêng.

*

Cha ơi ! Xin giữ liên lời trối

giúp đoàn con, cầu với Chúa Trời.

Đ

Cha giãi sáng rạng ngời phép lạ

cho bệnh nhân được đã tật nguyền

bệnh thiêng cha cũng đừng quên

ra tay tế độ ơn thiêng chuyển cầu. *

Bài đọc 2 (2/4)

Thánh Phụ Đa Minh cầu nguyện

Trích tài liệu Chín cách cầu nguyện của thánh Đa Minh.

Cách cầu nguyện thứ nhất là cúi mình trước bàn thờ : dù bàn thờ tượng trưng cho Chúa Ki-tô, nhưng Chúa thật sự và đích thân hiện diện ở đó, chứ không chỉ được biểu thị mà thôi. Cầu nguyện như thế thì hợp với lời sách Giu-đi-tha : Lời kẻ khiêm nhường và hiền lành cầu khẩn luôn đẹp lòng Chúa ; người phụ nữ xứ Ca-na-an vì khiêm nhường mà được toại nguyện, người con phung phá cũng thế. Lại cũng hợp với lời : Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, vì Lạy Chúa, trước nhan Ngài, thân con bị muôn phần khổ nhục.

Rồi cha thánh đứng thẳng người lên, khiêm tốn hướng về vị Thủ Lãnh của mình là Chúa Ki-tô, và cúi đầu nghĩ đến phận hèn của mình và sự cao cả của Chúa Ki-tô, nên người hiến toàn thân để tôn kính Chúa. Người cũng dạy anh em làm như vậy khi đi qua trước tượng Chúa chịu nạn, để Chúa Ki-tô, Đấng đã tự hạ vô cùng vì chúng ta, thấy chúng ta tự hạ trước uy linh Người. Cha thánh cũng truyền cho anh em phải cúi đầu như vậy để tôn kính Chúa Ba Ngôi, mỗi khi long trọng đọc “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.

Sau đó, thánh Đa Minh đứng trước bàn thờ hoặc nơi phòng hội, quay mặt về tượng Chúa chịu nạn, đăm đắm nhìn Chúa, rồi quỳ lên guỳ xuống nhiều lần. Vì vậy, đôi khi từ sau Kinh Tối đến nửa đêm, lúc thì người đứng lên, lúc quỳ quống như thánh Gia-cô-bê tông đồ, như người cùi trong Phúc Âm quỳ gối van xin : Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa con lành mạnh, và như thánh Tê-pha-nô, quỳ gối, lớn tiếng nguyện rằng : Xin Chúa đừng chấp họ tội này.

Thánh Đa Minh tin cậy mãnh liệt vào lòng thương xót của Chúa, nên người phó thác cho Chúa bản thân, cũng như tất cả các tội nhân và các anh em tập sinh mà người sai đi khắp nơi rao giảng. Một đôi lần, người không thể nín lặng được, nên anh em đã nghe thấy người than thở : Lạy Chúa, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ, đừng bao giờ im hợi lặng tiếng, và người thường dùng những lời Kinh Thánh tương tự để cầu nguyện.

Có những lúc người cầu nguyện trong lòng, tuyệt nhiên không nói lời nào, và người quỳ yên lặng, đôi khi thật lâu, tâm hồn ngây ngất ; có lúc, xem diện mạo, hình như tâm trí người thấu tận trời cao, rồi thoát chốc, nét mặt trở nên tươi vui, hớn hở, và người lau những giọt lệ tuôn rơi lã chã. Người có những nguyện vọng nồng nàn như kẻ đang khát gặp suối nước trong, hoặc như lữ khách đã gần tới quê hương.

Người khoẻ mạnh và sung sức, cử động gọn gàng, lanh lẹ, khi đứng lên, lúc quỳ xuống. Người quen quỳ gối đến độ, khi đi đường, lúc vào nhà trọ sau những cuộc hành trình vất vả, và ngay cả dọc đường, khi anh em ngủ nghỉ, người lại quỳ gối cầu nguyện như thể thi hành một tài nghệ, hoặc một tác vụ riêng của mình. Nhờ gương sáng, người dạy dỗ anh em bẳng việc làm hơn là bằng lời nói.

Xướng đáp    Ep 4,15 ; Cn 4,18

X

Sống theo chân lý và trong tình bác ái,

*

Cha ơi ! Xin giữ liên lời trối

giúp đoàn con, cầu với Chúa Trời.

Đ

Đường đi của người công chính, như ánh bình mình, sáng lên mãi cho tới chính ngọ. *

Bài đọc 2 (3/4)

Thánh Đa Minh hoàn toàn bác ái và khôn ngoan

Trích bài giảng của linh mục Giê-rô-ni-mô Xa-vô-na-rô-la, nhân ngày lễ thánh Đa Minh.

Đây là vị tư tế cao cả, lúc sinh thờ, đã trùng tu Nhà Chúa, và khi còn sống, đã củng cố Đền Thờ. Thưa anh chị em, vị tư tế này chính là thánh Đa Minh, hôm nay chúng ta mừng lễ kính người, người đã cùng với thánh Phan-xi-cô canh tân Giáo hội đang suy vi.

Kinh Thánh nói : Đây là vị tư tế cao cả. Anh chị em thân mến, hãy ghi lấy lời nói và nhận ra mầu nhiệm. Có nhiều tư tế mà tư tế vẫn ít. Và những tư tế tốt đi nữa, cũng không phải đều cao cả. Vì tư tế phải soi sáng dân chúng, trách nhiệm của người là giảng thuyết. Vậy làm linh mục sao được nếu Chúa không soi sáng ? Được Chúa soi sáng làm sao, nếu là người xấu ?

Thánh Đa Minh đã sống thánh thiện và thấm nhuần đạo lý. Nhưng có người nói : tôi học để thuyết giảng cách thánh thiện. Vì giảng thuyết là một tác vụ rất vinh dự, nên tất cả các linh mục của chúng ta ngày nay, ai cũng thích giảng, và học các bài giảng cùng nhiều môn khác nữa, do đó họ nói là đang xây dựng toàn dân. Tôi phải làm ít nhiều việc lành trong Giáo hội. Nhưng lời Kinh Thánh trên đây còn nói thêm gì ? Lúc sinh thời người đã trùng tu Nhà Chúa, nghĩa là suốt đời người. Nhưng sống tội lỗi đâu phải là sống, mà là chết. Vậy hãy nói : trong cuộc đời thánh thiện của người, nghĩa là nhờ đời sống và gương sáng của người.

Anh chị em hãy xin, hãy nài xin Chúa sai nhiều linh mục tốt lành, thánh thiện để trùng tu Nhà Chúa, tức là toàn thể Hội Thánh, đang có nguy cơ sụp đổ.

Và khi còn sống, người đã củng cố Đền Thờ. Chính người đã xây cao Đền Thờ. Chiều cao của đền thờ là bậc hoàn thiện của một số người trong hàng tư giáo tức là các tu sĩ. Đức Giám mục phải hoàn thiện, vì người ở bậc hoàn thiện. Còn các tu sĩ ở trong bậc hoàn thiện, vì họ tuyên khấn và buộc mình giữ những điều dẫn tới đời sống hoàn thiện. Chúng ta ở trong số các tu sĩ, mà còn là tu sĩ Dòng Giảng Thuyết. Các nhà giảng thuyết phải hoàn thiện tới mức nào, thì anh chị em hãy suy lời đã chép : Những bức tường Đền Thờ phải được xây cao.

Anh chị em thân mến, trong bất cứ nghề nào, người ta chẳng lưu tâm đến danh xưng của nghề mình đấy sao ? Và người ta xấu hổ khi thấy mình không ăn ở xứng với danh xưng, ví dụ : quân nhân mà nhát đảm, đào ngũ. Vậy anh chị em hãy lưu tâm đến danh xưng của anh chị em.

Người được vẻ vang khi tiếp xúc với dân. Người ta nói về thánh Đa Minh rằng : khi giao tiếp, người luôn luôn vui vẻ và hấp dẫn, nên người được mọi người yêu quý lạ thường. Người muốn có tu viện nơi các thành thị và muốn tiếp xúc với người đời, để có thể giúp ích cho mọi người. Vì thế, người dành ban ngày để phục vụ tha nhân, và ban đêm để cầu nguyện với Chúa. Người giảng truyền đức ái làm cho tâm hồn cởi mở và mọi sự trở nên dễ dàng : Mệnh lệnh Chúa trải rộng vô biên ! Con chạy theo đường mệnh lệnh của Ngài, vì Ngài đã mở rộng lòng con. Khi được hỏi là đã tìm đâu ra những bài giảng thuyết như vậy, người trả lời : “Trong cuốn sách đức ái”.

Anh chị em thân mến, anh chị em muốn học biết Kinh Thánh, muốn giảng thuyết ? Vậy anh chị em hãy tập luyện đức ái, và chính đức ái sẽ dạy bảo anh chị em. Anh chị em hãy có đức ái thì anh chị em sẽ hiểu đức ái, và vì thánh Đa Minh đã hiến trọn đời mình để yêu tha nhân, nên người đã dùng lời cầu nguyện, việc giảng thuyết và gương sáng dẫn đưa họ về nguồn sống. Cũng vì thế, người đã dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa như hy lễ thơm tho ngọt ngào, do đó có lời chép : Và hương thơm bốc lên từ ngọn lửa. Lửa đây, tức là lửa Chúa Thánh Thần, lửa bác ái đối với tha nhân và lửa gian khổ, tất cả những lửa ấy bốc lên trước Thiên Nhan, như hương thơm ngào ngạt. Và sau cùng thánh Đa Minh hoàn toàn bác ái, khôn ngoan, được trang điểm bằng mọi nhân đức.

                                      

Xướng đáp x. Kh 19,9 ; Lc 14,17

X

Để mừng tiệc cưới Con Chiên

Chủ sai đầy tớ chiều hôm ra đường

chiêu mời người khắp bốn phương,

*

hứa ban cuộc sống nhiều đường hân hoan.

Đ

Đa Minh được cử lo toan

cho dân đến dự tiệc trời cực sang. *

Bài đọc 2 (4/4)

Người chỉ nói với Chúa hay về Chúa mà thôi

Trích sử liệu Dòng Giảng Thuyết.

Thánh Đa Minh có một đời sống đoan chính, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy người là tác phẩm của sự cao trọng và của ơn thánh. Người có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ xúc động khi phải trắc ẩn và thương xót. Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho nét mặt rạng rỡ, nên người cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn người ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của người.

Đâu đâu người cũng tỏ ra là một con người của Tin Mừng, cả trong lời nói lẫn hành động. Ban ngày chẳng ai hiệp thông và dịu dàng với anh em hơn người ; còn ban đêm thì cũng chẳng ai chuyên cần canh thức và cầu nguyện đủ cách hơn. Người chỉ nói với Chúa, tức là cầu nguyện, hay nói về Chúa mà thôi, và người cũng khuyên bảo anh em như vậy.

Người năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này, là cho người được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta ; người nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nếu trước hết mình dùng hết sức lực để cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giê-su, Đấng Cứu Chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà, theo ý Chúa an bài sâu xa, người đã lập ra Dòng Anh Em Giảng Thuyết.

Người năng dùng lời nói và thư từ mà khuyên bảo anh em trong Dòng luôn luôn học hỏi Cựu và Tân Ước. Chính người hằng mang theo bên mình Tin Mừng thánh Mát-thêu và các thư thánh Phao-lô, và học hỏi kỹ đến nỗi hầu như người đã thuộc lòng.

Đã hai ba lần được chỉ định làm Giám mục, nhưng người từ chối, muốn sống nghèo khó với anh em hơn là có một Toà Giám mục. Người giữ đức trinh khiết vẹn sạch cho đến cùng. Người ao ước được bị đánh đòn, bị chặt ra từng mảnh, được chết vì Đức Ki-tô. Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô đã nói về người rằng : “Tôi biết người đã giữ luật các Tông Đồ một cách hoàn hảo, nên tôi không hồ nghi chút nào là người cũng được vinh quang của các Tông Đồ ở trên trời.”

Xướng đáp   Hc 48,1 ; Ml 2,6

X

Đã chỗi dậy một ngôn sứ như lửa cháy.

*

Và lời người như thể lò thiêu.

Đ

Luật sự thật nơi miệng người ; và sự gian trá không gặp thấy nơi môi người. *

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh Chúa một tông đồ nhiệt tâm truyền giảng chân lý là thánh Đa Minh. Xin nhận lời thánh nhân hằng tha thiết chuyển cầu mà ban cho Hội Thánh luôn tiến triển nhờ công đức và lời giảng dạy của người. Chúng con cầu xin

hoặc :

Lạy Chúa, Chúa đã muốn chiếu soi Hội Thánh Chúa nhờ công đức và giáo huấn của Thánh Phụ Đa Minh. Vì lời người cầu thay nguyện giúp, xin cho Hội Thánh không bao giờ thiếu những ơn trợ giúp của Chúa ngay ở đời này và hằng được tiến triển trên đường thiêng liêng. Chúng con cầu xin