Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 18 tháng giêng

Thánh Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ri, trinh nữ

lễ nhớ

Ma-ga-ri-ta là công chúa của vua Bê-la IV và hoàng hậu Ma-ri-a Lát-ca-rít, ái nữ của Hoàng Đế nước thượng vị Công-tăng-ti-nô ; thuở còn là thai nhi (1242), Ma-ga-ri-ta đã được cha mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa để cầu xin cho quê hương được giải phóng ; chưa đầy bốn tuổi đã được uỷ thác cho các nữ đan sĩ Dòng Đa Minh tại Vết-pơ-rim chăm sóc.

Mới 12 tuổi, Ma-ga-ri-ta đã tuyên khấn trước mặt Bề trên Tổng Quyền Hum-bê-tô Rô-man tại đan viện ở Bu-đa mà vua cha vừa mới xây cho chị. Chị đã hăm hở tiến đức cách kỳ diệu và tận hiến phụng sự Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập giá.

Chị sống đời đan sĩ khắc khổ và chuyên chăm làm việc từ thiện, sốt sắng cầu nguyện cho hoà bình mau vãn hồi và can đảm tố giác những bất công. Nhưng chị lại cư xử rất dịu dàng với chị em và sẵn sàng phục vụ cả trong những việc hèn hạ nhất.

Chị nổi bật về lòng yêu mến nồng nàn đối với mầu nhiệm Thánh Thể và cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế, về lòng tôn kính Chúa Thánh Thần và Đức Trinh nữ Ma-ri-a ; chị tự hiến làm lễ đền tội để cứu dân tộc khỏi những cuộc xâm lăng tàn phá của người Thát-đát.

Chị qua đời ngày 18 tháng 1 năm 1270.

Đức Pi-ô XII tôn phong Ma-ga-ri-ta lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 11 năm 1943.

 

Bài đọc 2 (1/2)

Sau khi đã tận hiến cho bạn trăm năm của các trinh nữ, Ma-ga-ri-ta còn nỗ lực nên giống vua các anh hùng tử đạo

Trích sách phong hiển thánh của Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII.

[Thánh nữ Ma-ga-ri-ta thuộc hoàng tộc Ác-pát, nước Hung-ga-ri. Ngay trong thế kỷ XIII, nguyên hoàng tộc này đã sinh ra cho Hội Thánh bốn phụ nữ nổi tiếng thánh thiện khác, đó là hai chị em họ : thánh nữ Ê-li-sa-bét, chân phước A-nê thành Pơ-ra-ga, và hai công chúa của vua Bê-la IV là Cu-nê-cun-đa và Dô-len-ta. Tông Toà đã công nhận việc tôn kính hai công chúa này.

Ma-ga-ri-ta xuất thân từ gia đình đạo đức : cha là Bê-la IV, vua nước Hung-ga-ri, mẹ là hoàng hậu Ma-ri-a Lát-ca-rít. Khi Ma-ga-ri-ta còn trong lòng mẹ, song thân đã hứa, nếu sinh con gái, thì sẽ dâng hiến cho Thiên Chúa làm của lễ đền tội cầu cho đất nước được giải phóng và hoàng gia được khang an. Lời cầu xin khấn nguyện của các ngài đã được chấp nhận. Bà hoàng hậu đạo đức ấy, nhớ lời đã khấn hứa với Chúa và ân huệ Chúa ban, nên khi Ma-ga-ri-ta chưa đầy bốn tuổi, đã đưa con đến nữ đan viện Đa Minh ở Vết-pơ-rim để, ngay từ thuở ấu thơ, công chúa được hấp thụ nếp sống tu trì và phụng sự Chúa xứng hợp hơn].

Tại đan viện này, Ma-ga-ri-ta quyết tâm trở thành một môn đệ của thập giá, chẳng màng cung ngọc điện ngà, đời sống nổi bật về nét thuỳ mị và đức vâng lời, nên được các nữ tu rất trìu mến. Dù tuổi còn nhỏ, Ma-ga-ri-ta đã sùng kính Chúa Giê-su và Đức Mẹ, sốt sắng như thiên thần, tâm hồn trong trắng, đời sống đơn sơ.

Phần vua cha, vì mong ước hoàng gia và đất nước được Chúa trợ giúp chắc chắn hữu hiệu hơn, nên đã xây một nữ đan viện dâng kính Đức Trinh nữ Ma-ri-a trên một cù lao sông Đa-nuýp. Vua cũng sắp đặt cho các nữ tu đạo đức về sống tại đó, kể cả Ma-ga-ri-ta, “người con được vua cha yêu quý hơn hết, vì vua nhận thấy nơi công chúa có những bước đầu bảo đảm một đời thánh thiện đẹp lòng Chúa.”

Năm 12 tuổi, sau khi đã từ hôn với hoàng tử Ba-lan, Ma-ga-ri-ta đã tuyên khấn trọng thể trước sự chứng kiến của Cha Bề trên Tổng Quyền đáng kính Hum-bê-tô Rô-man. Về sau, vua nước Bô-hê-mi-a cũng trịnh trọng đến cầu hôn, nhưng để giữ lòng chung thuỷ với vua trên trời và để tránh mọi lần cầu hôn phiền phức khác, Ma-ga-ri-ta khẩn khoản xin Đức Tổng Giám mục Ét-tê-gôm cho đội lúp thánh, công khai tỏ mình là người đã tận hiến cho Chúa Ki-tô. Ma-ga-ri-ta sung sướng khi được chấp thuận.

Sau khi đã tận hiến cho Bạn Trăm Năm của các trinh nữ như thế rồi, Ma-ga-ri-ta còn nỗ lực nên giống Vua các anh hùng tử đạo bằng nếp sống khổ chế, khinh chê thế trần và chính bản thân, luôn luôn mặc áo vải thô, vui vẻ làm những công việc hèn hạ, sung sướng khi được quét dọn, lau chùi, nấu nướng và làm những việc thường khi rất nặng nhọc. Đối với các chị em và cả những đầy tớ đau yếu mắc những chứng bệnh mà các chị em khác sợ nhiễm lây, Ma-ga-ri-ta đã phục vụ họ với một lòng bác ái xả kỷ lớn lao, đến độ một mình người đảm nhận tất cả những việc nặng nhọc hèn kém.

Đau đớn khi gẫm suy mầu nhiệm khổ nạn của Chúa và khát khao được phúc tử đạo, Ma-ga-ri-ta ưa thích giãi bày tâm sự với Chúa Giê-su trong Thánh Thể hoặc trên thập giá, tuy nhiên Người vốn cầu nguyện khắp nơi và hầu như không ngừng. Nhiều lần khi đã cùng chị em ca ngợi Thiên Chúa, người còn đọc thêm toàn bộ Thánh Vịnh, như những lời cầu dâng lên Thiên Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần, và những lời chúc tụng Đức Trinh nữ, Mẹ Thiên Chúa mà người hết tình mộ mến.

Để xin Chúa toàn năng nguôi cơn thịnh nộ và nhân từ thương đến dân tộc mình, Ma-ga-ri-ta đã “nước mắt đầm đìa, ăn chay, mặc áo nhậm, hãm mình ép xác như thể khóc than tội lỗi của hết thảy những ai làm điều gian ác xúc phạm đến Chúa, và thương khóc cảnh lầm than của những người bị đàn áp ; lại cũng hết tình khẩn nài xin Chúa Giê-su dùng tay hữu quyền năng của Người bênh vực những kẻ vô tội và Hội Thánh đã được quy tụ nhờ bửu huyết của Người.”

Hơn nữa, hành động của Ma-ga-ri-ta không chỉ hạn hẹp ở việc sốt sắng cầu nguyện và khắc khổ hãm mình, nhưng với nhiệt tình tông đồ và đức can đảm anh hùng, người còn mạnh dạn khiển trách công khai bất cứ ai làm điều gian ác, kể cả những người quyền thế cao sang.

Được cầu hôn lần thứ ba, Ma-ga-ri-ta thẳng thắn từ chối, viện lẽ mình muốn bảo toàn đức trinh khiết đã hiến dâng cho Chúa Ki-tô. Và Chúa Ki-tô, Người Bạn Trăm Năm trung thành và độ lượng, luôn ngự trong trái tim dịu hiền của thánh nữ, đã ban cho Người tràn trề ân huệ siêu nhiên, cho Người thông phần đau khổ, an ủi và uy quyền với Chúa khi còn sống cũng như lúc đã qua đời.

Xướng đáp

X

Thánh nữ Ma-ga-ri-ta có lòng thương xót, nhân hậu và khiêm nhường.

*

Người đã nên mọi sự cho mọi người. Không ai ngờ người là một vì công chúa.

Đ

Nhưng về đức ái và lòng khiêm nhường, Người không thua kém một ai. *

 

Bài đọc 2 (2/2)

Bình an chân thực giữa những giao động.

Trích bài giảng của tu sĩ Gio-an Tô-lê, linh mục, về lễ Thăng Thiên.

Ai thực lòng muốn noi gương Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, thì hãy khiêm nhường, bình tâm vác khổ giá là những đau khổ bề trong và bề ngoài, dù đích đáng hay oan uổng. Dù vai vác nặng như vậy nhưng lòng vẫn vui vẻ tiến bước đi theo Chúa. Không có cách nào khác để đến nơi Đức Ki-tô đã đến trước chúng ta.

Quả thật, nhiều người muốn làm chứng nhân của Chúa khi bình an, miễn là mọi sự hợp với sở thích của họ. Họ sẵn sàng muốn nên thánh, nhưng không phải khó nhọc, không chán nản, không gian truân, không thiệt thòi. Họ ước mong biết Thiên Chúa, hưởng nếm và cảm nghiệm Người, miễn là không gặp đắng cay. Do đó, nếu họ gặp cay đắng, buồn phiền, tăm tối, thử thách cam go, nếu Thiên Chúa ẩn mình đi và họ không được ủi an bên trong bên ngoài, tức thì những quyết tâm tốt đẹp của họ tan thành mây khói. Họ không phải là những chứng nhân đích thực, những chứng nhân mà Chúa Cứu Thế kiếm tìm.

Ai lại không tìm kiếm bình an, ai lại không muốn hưởng bình an mọi nơi, mọi lúc ? Nhưng phải dứt khoát loại bỏ lối tìm bình an như thế. Chúng ta phải cố gắn tối đa để giữ được bình an trong mọi lúc, ngay cả trong nghịch cảnh nữa. Sự bình an chân thực, vững bền và chắc chắn phát xuất tự đó. Ngoài con đường đó ra, tất cả mọi sự chúng ta tìm kiếm và quí chuộng đều là ảo tưởng.

Nhưng đàng khác, nếu chúng ta làm hết sức để giữ được vui tươi trong phiền muộn, bình thản trong giao động, đơn sơ trong phiền phức, hân hoan trong sầu khổ, thì chúng ta mới là chứng tá chân thực của Thiên Chúa và của Đức Giê-su Ki-tô. Chúa chúng ta.

Chính Đức Giê-su Ki-tô, lúc sinh thời và sau khi phục sinh, đã chúc bình an cho các môn đệ như thế. Họ là những người, khi ở đời này, không bao giờ được bình an bên ngoài, nhưng được bình an bên trong, bình an chân thực trong giao động, hạnh phúc trong sỉ nhục, sự sống trong sự chết. Họ đã vui mừng múa nhảy đang khi người đời ghen ghét họ, điệu họ ra toà và khép án tử hình. Những người như thế mới là những chứng nhân đích thực của Thiên Chúa.

Xướng đáp              2 Cr 4,11.10b ; Cl 1,24

X

Tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su.

*

để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.

Đ

Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. *

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa yêu mến và bảo vệ những người sống đời trinh khiết, Chúa đã ban cho thánh nữ Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ri được vinh dự thông phần vào đời sống ấy. Xin cho chúng con biết thống hối ăn năn, nhờ đó mà tiến bước trên đường hoàn thiện. Chúng con cầu xin

Hoặc :

Lạy Chúa, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa đã khơi dậy tinh thần từ bỏ nơi thánh nữ Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ri. Xin cho chúng con đừng bao giờ chống lại Thánh ý, nhưng luôn trung tín chu toàn những điều Chúa muốn. Chúng con cầu xin