Chúa nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024

Ngày 18 tháng 9

Thánh Gio-an Mai San, tu sĩ

lễ nhớ

Gio-an Mai San sinh tại Ri-bê-ra Fơ-rét-nô, Tây Ban Nha, năm 1585. Lớn lên, nhờ một tàu buôn, Gio-an di cư sang Nam Mỹ. Ở Li-ma, Gio-an Mai San chọn con đường khó nghèo Phúc Âm tại tu viện thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, thuộc Dòng Đa Minh, và nổi tiếng về đức khiêm nhường và lòng bác ái.

Giữ việc coi cổng tu viện trong gần 22 năm, người tận tuỵ với công việc từ thiện, nỗ lực cứu giúp các linh hồn người quá cố bằng kinh Mân Côi, và dẫn đưa nhiều người lạc đường công chính về với Chúa. Cũng như Mác-ti-nô Po-rét, người vui chịu những sỉ nhục và vu khống, tận tình săn sóc những người nghèo khó và bệnh tật.

Người qua đời ngày 16-9-1645, Đức Phao-lô VI tôn người lên bậc hiển thánh ngày 28-9-1975.

Bài đọc 2 (1/2)

Nhân chứng kỳ diệu và hùng hồn về đức khó nghèo Phúc Âm

Trích bài giảng của Đức Phao-lô VI trong lễ phong thánh cho chân phước Gio-an Mai San, tại Rô-ma, ngày 28-9-1975.

Gio-an Mai San là chứng nhân kỳ diệu và hùng hồn về đức khó nghèo theo Phúc Âm : là một thiếu niên mồ côi, Mai San đã dùng tiền công ít ỏi của một chú bé mục đồng để giúp đỡ những người “anh em của mình”, để chia sẻ đức tin cho họ. Khi lưu lạc, người đã noi gương thánh bổn mạng Gio-an Tẩy Giả, không tìm vinh hoa phú huý như những người khác, nhưng chỉ mong cho thánh ý Thiên Chúa được hoàn thành. Khi làm công ở tiệm ăn cũng như lúc làm trưởng toán mục đồng, người kín đáo rộng tay giúp đỡ những người túng thiếu, và dạy họ cầu nguyện. Khi là tu sĩ, người đã biến các lời khấn thành lý do tuyệt vời để mến Chúa, yêu người. Người không tìm kiếm cho mình điều gì ngoài Thiên Chúa.

Tại phòng coi cổng tu viện, người đã liên kết sống chuyên chăm cầu nguyện và hãm mình với việc săn sóc một số rất đông người nghèo khó, giúp đỡ và phân phát lương thực cho họ. Người nhịn phần lớn thức ăn để nuôi những kẻ thiếu ăn, vì nơi họ, đức tin cho người thấy Chúa Giê-su hiện diện tỏ tường. Tắt một lời, nếp sống của “người cha những kẻ khó nghèo, mồ côi, túng cực” này lại đã không chứng minh rằng đức thanh bần theo tinh thần Phúc Âm, khi được sống trọn vẹn, thật phong phú lắm sao ?

Khi nói Gio-an Mai Sai là người nghèo khó, chúng tôi không hiểu về cái nghèo đồng nghĩa với cảnh túng cực tai hại, hoặc với tính lười biếng không làm gì mà lại đạt được sự thịnh vượng chính đáng. Thứ nghèo khó ấy, Thiên Chúa không muốn và cũng không chúc phúc. Chúng tôi hiểu về sự nghèo khó đầy phẩm giá, khiêm nhu kiếm tìm cho mình lương thực trần gian như thành quả lao công của mình.

Trước cũng như sau khi vào Dòng, người đã chăm lo phận sự của mình với biết bao ân cần và hiệu quả. Các chủ nhân và các Bề trên của người đã làm chứng điều đó tỏ tường. Bàn tay của người vẫn lo liệu cơm bánh cho mình, cho em gái, và cho nhiều công cuộc từ thiện. Cơm bánh ấy là thành quả của lao động sáng tạo có tính cách xã hội, có giá trị như gương sáng cho người khác, kiện toàn và giải phóng con người, cùng làm cho con người nên giống Chúa Ki-tô. Lao công ấy in sâu vào tâm khảm lòng tín thác của trẻ thơ giúp ta tin thật Chúa Cha, Đấng nuôi nấng chim chóc trên trời và trang sức cho những bông hoa ngoài đồng, không ngừng ban cho con cái Người những gì cần thiết cho đời sống : Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn những sự khác sẽ được ban thêm cho các con.

Đàng khác, công việc nặng nhọc, mồ hôi vất vả, không làm cho tâm hồn Gio-an lãng quên Bánh Bởi Trời. Từ thuở nhỏ, người đã quen thuộc với thế giới nội tâm, nơi Chúa hiện diện, và người trở nên một con người chiêm niệm ở giữa những công việc bề bộn. Sự thân mật với Thiên Chúa chẳng những không làm người xa cách tha nhân, mà còn làm cho người gần gũi họ và những đau khổ của họ với một cố gắng và nghị lực được đổi mới, nhờ đó người có thể cứu giúp họ và đưa họ vào một cuộc sống ngày càng xứng đáng, cao thượng, nhân bản và hợp với tinh thần Chúa Ki-tô hơn.

Người làm như thế, chẳng qua chỉ là hoạt động theo đạo lý và mệnh lệnh của Hội Thánh, một Hội Thánh vẫn coi trọng người nghèo và quý mến đức thanh bần Phúc Âm, không bao giờ bỏ rơi người nghèo khó trong lúc gian truân, nhưng trợ giúp họ và nâng cao mức sống của họ cho phù hợp hơn mãi với phẩm giá con người và con cái Thiên Chúa.

Những điều đó ít ra cũng trình bày cho chúng ta phần nào hình ảnh lạ lùng của vị thánh này, một hình ảnh hấp dẫn các linh hồn, một hình ảnh thuộc thời hiện đại, là tấm gương sáng ngời cho chúng ta và cho xã hội chúng ta.

Gio-an Mai San đã biết đề cao phẩm giá của sự nghèo khó bằng hai gương sáng của đời sống, đó là tin tưởng tìm kiếm cơm bánh cho người nghèo, và chuyên cần tìm kiếm Bánh của người nghèo là chính Đức Ki-tô, Đấng củng cố mọi người, và như thế, dẫn họ đạt tới đích cao siêu. Như vậy, một sứ điệp thật sáng ngời được loan báo cho chúng ta và cho thời đại chúng ta đây, một thời đại đã bị nhiễm độc bởi chủ thuyết duy vật thường mắc tật xấu là quá chú tâm đến việc tiêu thụ của cải mà lơ là với nghĩa vụ xã hội, đồng thời cũng nêu lên một gương sáng hữu hiệu về “tính nhất quán nội tâm” mà người Ki-tô hữu trong đời sống trần thế phải kiện toàn, là làm cho đời sống ấy thấm nhuần đức tin và đức mến.

Xướng đáp 1 Pr 5,5 ; Mt 11,29

X

Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đổi xử với nhau,

*

vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.

Đ

Anh em hãy học gương tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. *

Bài đọc 2 (2/2)

Sứ điệp của Gio-an Mai San

Trích bài diễn văn của cha Bề trên Tổng Quyền Vinh Sơn Kê-nông, nhân dịp phong hiển thánh cho chân phước Gio-an Mai San.

Gio-an Mai San không hề giảng thuyết và cũng không viết sách, người tu sĩ khiêm tốn này, hôm nay được tôn vinh trước toàn thể Giáo hội, có lẽ rất ngỡ ngàng nếu có ai nói với người rằng nếp sống khiêm tốn của người sẽ mang lại cho thế giới một sứ điệp, và hơn nữa, một sứ điệp có tính cách xã hội. Tuy nhiên, nếp sống khiêm nhường đã thay người làm chứng cho chúng ta : chính đời sống là một sứ điệp.

Khi còn trẻ, Gio-an Mai San đã sang Mỹ Châu và trở thành kẻ ly hương. Người đã nếm cảnh di cư và những phiền hà khi phải lìa xa quê hương và cuộc sống êm ả. Trải qua những bất trắc, những thăng trầm, hy vọng và sợ sệt, gặp những khó khăn khi di chuyển và phải thích nghi với hoàn cảnh mới, người đã là một trong muôn ngàn người, qua các thế hệ, không vì ham muốn tiền của, nhưng vì nhu cầu mà phải phiêu bạt từ miền này qua miền khác.

Dĩ nhiên, người có thể theo con đường thánh thiện và sống hiến thân cho người nghèo khó ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời buổi nào, nhưng người đã nên thánh giữa những kẻ ly hương, giữa những người nghèo nhất. Và điều này đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề.

Từ thời thánh Gio-an Mai San, thế giới đã tiến bộ nhiều. Một đàng, vì hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, đàng khác, vì Phúc Âm được hiểu rộng hơn, và điều không thể quên, đó là, vì những yêu sách của thời cuộc, dân Ki-tô giáo đã đón nhận những đòi hỏi của Đức Ai cách rộng rãi hơn. Quả vậy, chúng ta hiểu đức ái không thể thu hẹp vào một thái độ khoan nhân, vào một tâm tình độ lượng hoặc hay cả một hy sinh anh dũng – dù sao vẫn chỉ là của một người – vì phần rỗi của kẻ khác. Chúng ta hiểu đức ái phải sinh động hơn, xâm nhập và biến đổi toàn diện cuộc sống mỗi người và xã hội loài người.

Bác ái huynh đệ không thể là xa xỉ phẩm dành cho những người có thì giờ, có tiền của và tâm tính tốt. Bác ái huynh đệ cũng chẳng thể hỗ trợ một trật tự xã hội thường chỉ nhằm hà hiếp dân nghèo. Hiển nhiên, bác ái phải luôn có tính cách xã hội, và đặc biệt phải là công bình đối với mọi người. Cha Ghi-lê, vị tiền nhiệm của tôi, đã có lần nói : “Phải cố gắng làm sao để đức ái hôm nay trở thành công bình cho ngày mai”. Yêu thương anh em trước hết là mong muốn cho họ được hội nhập vào thế giới này, vào xã hội của chúng ta như những phần tử có đầy đủ mọi quyền lợi, là hân hoan và dứt khoát mong muốn cho họ cảm thấy được chấp nhận, được tiếp đón và được đối xử xứng đáng với nhân phẩm.

Đức ái đích thực đòi chúng ta phải tuỳ khả năng và bổn phận hết sức cố gắng xây dựng một xã hội công bình hơn, nhân đạo hơn. Dĩ nhiên, một thế giới rất mực công bình, do những luật lệ nghiêm chỉnh điều khiển, trong đó quyền lợi mỗi người được bảo đảm, có lẽ sẽ trở thành một thế giới lạnh lùng, dường như không còn hồn sống, không có hy vọng vì không có bác ái. Chỉ nguyên công bình mà thôi sẽ có thể trở thành bất nhân, và không luật lệ xã hội nào có thể làm nảy sinh ra đức ái.

Người môn đệ của Phúc Âm phải đặc biệt ý thức điều này là : Ki-tô hữu được mời gọi để xây dựng một thế giới công bình, trong đó mối dây liên kết mọi người, mọi dân tộc, mọi tập thể, phải là mối dây đức ái. Đó là sứ điệp của Tin Mừng và đó cũng là sứ điệp của Gio-an Mai San.

Nhưng còn hơn cả một sứ điệp nữa, vì không phải chỉ là một thứ di chúc, một lời nói của kẻ đã khuất, mà là một vũ trụ quan mới, một nhiệt huyết, là bột men, là nguồn sống trào lên đến muôn đời.

Như vậy, sứ điệp của Gio-an Mai San không phải chỉ có tính cách xã hộ, mà trước hết có tính cách thần học. Khi trình bày cho ta công đức của Gio-an Mai San, Giáo hội làm cho thánh danh và dung nhan Thiên Chúa rạng rỡ hơn, và mời gọi mọi tín hữu tôn vinh Cha trên trời. Quả thực, bằng đức ái đối với người nghèo, Gio-an Mai-san, trong thời đại của mình, đã biểu dương thánh danh đích thực của Thiên Chúa cho những người bản xứ ở Mỹ Châu chưa từng biết lời Kinh Thánh : Thiên Chúa là tình yêu.

Xướng đáp Mt 25,35-40 ; Cn 19,17

X

Ta đói, anh em đã cho ăn ; Ta khát, anh em đã cho uống ; Ta là khách lạ, anh em đã tiếp rước.

*

Ta bảo thật anh em : mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta vậy.

Đ

Kẻ bố thí cho người nghèo là cho Thiên Chúa vay mượn. *

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cứu vớt tất cả mọi người ngay khi họ còn là những kẻ tội lỗi ; Chúa đã thôi thúc thánh Gio-an Mai-san hết lòng phục vụ mọi người. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin ban cho chúng con luôn gắn bó với mầu nhiệm lòng từ ái Chúa, và sẵn sàng chia sẻ của cải cũng như hy sinh mạng sống vì anh em. Chúng con cầu xin