Thứ sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2024

Ngày 17 tháng 8

Thánh Gia-xin-tô, linh mục

lễ nhớ

Gia-xin-tô chào đời vào cuối thế kỷ XII tại Ka-mi-ên, giáo phận Bơ-rét-la-ô, mang tên là Giắc-kô (Gia-cô-bê), tới thế kỷ XIV được gọi là Gia-xin-tô. Là kinh sĩ nhà thờ Cơ-ra-cô-vi-a, năm 1220, Gia-xin-tô vào Dòng Giảng Thuyết tại Rô-ma.

Năm 1221, thánh Đa Minh cử Gia-xin-tô cùng với tu sĩ Hen-ri-cô Mô-ra-vi-a về lập Dòng tại Ba Lan. Ngay năm 1222, người đã thiết lập được tu viện tại Cơ-ra-cô-vi-a. Năm 1225, cha Giê-ra-đô Bơ-rét-la-ô, Bề trên Tỉnh tiên khởi tại Ba Lan đã phân phối các tu sĩ đi năm ngả, Giắc-kô đi lập tu viện tại Đăng-dích, thuộc miền Pô-mô-ra-ni-a, rồi tại Ki-ép. Sống tại đây từ 1229 đến 1233, người nổi tiếng về cuộc đời trong trắng và lòng tôn sùng nhiệt thành đối với Thiên Chúa Thánh Mẫu.

Hoạt động hăng say giữa những người theo Chính Thống và Công Giáo tại miền này, người đã rời khỏi thành trước khi các tu sĩ bị Quận Công Vơ-la-đi-mi-rô trục xuất. Trong những cuộc hành trình này, dân chúng còn ghi nhớ phép lạ người trải áo choàng trên mặt nước, cùng với các tu sĩ đồng bạn, đem theo Thánh Thể Chúa và tượng Đức Nữ Trinh vượt qua sông Vít-tu-la mà không ướt chân.

Người qua đời tại Cơ-ra-cô-vi-a ngày 15 tháng 8 năm 1257. Năm 1527, Đức Cơ-lê-men-tê VII tôn người lên bậc chân phước. Ngày 17-4-1594, Đức Cơ-lê-men-tê VIII ghi tên người vào sổ các hiển thánh.

Bài đọc 2 (1/2)

Ánh sáng mới mọc lên cho người Ba Lan

Trích tiểu sử thánh Gia-xin-tô, linh mục.

Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng. Từ nguyên thuỷ, khi tạo thành trời đất, Chúa Tể càn khôn đã để tối tăm bao trùm vực thẳm. Nhưng để soi sáng những tối tăm ấy, Chúa đã phán : Hãy có ánh sáng, tức thì có ánh sáng. Thế là, với ánh sáng, Thiên Chúa đã soi sáng thế gian. Vậy như Chúa đã dùng ánh sáng chiếu soi trần gian, thì tại Ba Lan, Người cũng dùng thánh Giắc-kô, như luồng sáng của mặt trời mới mà xua đuổi bóng tối tội lỗi, và dùng ánh sáng đức tin mà soi sáng tâm hồn người Ba Lan. Do đó đã ứng nghiệm lời sấm ngôn xa xưa của I-sai-a rằng : Dân ngoại, nghĩa là dân sống trong ranh giới nước Ba Lan, và đang lần bước giữa tối tăm của sự vô tri, đã thấy ánh sáng huy hoàng, tức là thánh Giắc-kô, nhà truyền giảng đạo lý quang minh.

Như khi ánh bình minh xuất hiện, những nỗi u buồn được thuyên giảm, con người thức dậy, chim chóc líu lo, muông thú tìm về hang hốc, thì khi thánh Đa Minh phái Giắc-kô tới Ba Lan, người Ba Lan được giảm bớt nết xấu, được khích lệ khỏi lừng khừng, được phấn khởi để suy niệm những sự trên trời, được giải thoát khỏi những quyền lực ma quỷ, tựa hồ một ánh sáng mới đã xuất hiện cho người Ba Lan, một niềm vui, một vinh dự và một điềm lành cho mọi dân tộc.

Về ánh sáng đó, tức là về thánh Giắc-kô, tôi, tu sĩ Ta-nít-la-ô, giảng sư tại Cơ-ra-cô-vi-a, là người rốt hết trong Anh Em Giảng Thuyết, để tôn vinh một Chúa Ba Ngôi, Đấng đã tác thành và ân thưởng chư thánh trong ánh sáng khôn tả, để nêu gương cho dân Chúa, với lời lẽ vắn tắt và khiêm tốn, tôi xin được tóm lại những gì tôi đã tìm ra và hiểu được nhờ lời tường thuật của các bậc cha anh đáng tin cậy, các vị này được những bậc tiền bối đã tiếp xúc và chung sống với thánh Giắc-kô kể lại.

Xin chính Đức Ki-tô, Vua vinh hiển, là phản ảnh và là hình ảnh bản thể của Thiên Chúa Cha, vì sự bảo trợ của thánh Giắc-kô, đoái thương cho công việc của tôi được tiến triển, Người hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Tên quen gọi của thánh nhân là Giắc-kô, nhưng tên tự là Gia-xin-tô. Chữ Gia-xin-tô có nghĩa là dạ hương lan hoặc huỳnh ngọc, và do đó, được giải thích hai cách :

Trước hết gọi là Gia-xin-tô, giống như thứ lan có hoa đỏ tía. Điều này rất xứng hợp với thánh Giắc-kô. Thật vậy, Người là thân lan khiêm hạ bởi tinh thần vâng phục, là đoá hoa bởi sự tiết chế thân xác, có sắc đỏ tía bởi đức thanh bần hay khó nghèo tự nguyện.

Thứ đến, Người được mệnh danh là Gia-xin-tô theo nghĩa là huỳnh ngọc, vì Người rạng ngời, vì thông truyền đạo lý Phúc Âm, xanh biếc do đời sống thánh thiện, rất vững vàng vì phổ biến đức tin Công Giáo. Đó là ý nghĩa danh xưng của người.

Xướng đáp

X

Chúa đã thông ban cho người kho tàng sự khôn ngoan, và uỷ thác cho người sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

*

Để phân phát rộng rãi cho tín hữu và lương dân.

Đ

Chúa đặt Lời Chúa nơi miệng Người, và tỏ bày bí ẩn lòng mình cho Người. *

Bài đọc 2 (2/2)

Vô phúc cho chúng ta, nếu chúng ta đi trệch đường lối của các Tông Đồ

Trích thư của cha Hum-bê-tô Rô-man từ Tổng Hội gửi cho toàn Dòng.

Tôi xin được bày tỏ với anh em thân mến rằng, trong nhiều nguyện vọng mà chức vụ lãnh đạo Dòng đã khơi dậy trong lòng tôi, có ước vọng không nhỏ này, là làm thế nào, nhờ sứ vụ của Dòng, những người tín hữu ly khai được trở về hiệp nhất với Hội Thánh, đồng thời danh thánh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, được loan truyền cho người Do Thái, cho người Hồi Giáo, cho lương dân, cho người man rợ và cho hết mọi dân tộc, ngõ hầu chúng ta được trở nên chứng tá của Chúa, nên phương cứu độ cho mọi người đến mút cùng trái đất.

Nhưng để hoàn thành việc đó, chúng ta gặp hai trở ngại :

– Một là không biết ngoại ngữ : hầu như không anh em nào muốn học ngoại ngữ ; trong việc học tập, phần đông chỉ thích tọc mạch đủ chuyện hơn là tìm thiện ích.

– Hai là lòng quyến luyến quê hương : cảnh êm đềm của đất mẹ còn ràng buộc nhiều người, tính tự nhiên của họ chưa được ơn thánh biến đổi, nên họ không muốn rời bỏ quê hương thân thích, cũng không đành quên dân tộc mình nhưng chỉ muốn sống chết giữa họ hàng và thân thích, mà không kinh ngạc rằng : ngay Thân Mẫu của Đấng Cứu Thế cũng không thể tìm được Người giữa hàng bà con thân thuộc.

Thưa anh em, những người được Thiên Chúa kêu gọi, hãy thức tỉnh, hãy xem gương các Tông Đồ, có gì giống như vậy đâu ! Nào tất cả những vị ấy không phải là những người Ga-li-lê đó sao ? Có vị nào ở lại Ga-li-lê chăng ? Lại không phải là vị này đến tận Ấn Độ, vị kia đến Ê-thi-ô-pi-a, vị khác đi Á Châu, và vị khác nữa đến A-khai-a ư ? Như vậy tất cả đã chẳng được phân tán đi tứ phía đến nhiều dân tộc khác nhau, đem lại nhiều thành quả trên thế giới, như ta thấy ngày nay ư ?

Nếu có ai nói rằng : đó là những việc nặng nề, chúng tôi yếu đuối không tài nào bắt chước được, thì thật là vô phước cho chúng ta, vì chúng ta muốn là các nhà giảng thuyết mà lại đi trệch đường lối của các vị giảng thuyết gương mẫu như thế. Vả lại, các vị cha anh tiên khởi của chúng ta, tập sinh cũng như những anh em khác, tất cả đã được cha Đa Minh phân tán đi khắp thế giới, các vị đó có nói như vậy chăng ? Hỡi những người Chúa chọn, đừng để tư tưởng bạc nhược đó thống trị lòng chúng ta, trái lại, hãy lưu tâm đến ơn gọi khấn Dòng, đến phần thưởng vẻ vang dành cho kẻ mau mắn vâng lời. Hãy dấn thân làm mọi việc, hầu cứu rỗi sinh linh và mở rộng vinh quang Đấng Cứu Thế.

Nếu có ai, nhờ ơn Chúa soi sáng, cảm thấy mình sẵn sàng vâng ý Bề trên mà học tiếng Ả-rập, Do-thái, Hy-lạp hay một thứ tiếng nào khác, nhờ đó, anh em có cơ hội thuận tiện lập công phúc trong công cuộc cứu độ, hoặc có ai thấy mình sẵn sàng vượt ranh giới tổ quốc, gia nhập Tỉnh Dòng Thánh Địa, hoặc Tỉnh Dòng Hy-lạp hay những Tỉnh Dòng gần dân ngoại, chắc chắn các Tỉnh Dòng này rất cần những anh em sẵn sàng chịu đựng nhiều vì Dòng, vì đức tin, cũng như vì phần rỗi các linh hồn và vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì tôi thỉnh cầu và khuyên những anh em ấy biên thư cho tôi biết tâm trạng của mình về vấn đề này, đừng bỏ qua.

Tôi xin phó thác tất cả và từng anh em cho Đấng Cứu Chuộc, và Thánh Mẫu rất vinh hiển của Người, là trạng sư của chúng ta, Đấng mà ai cũng tin rằng đã đặc biệt bảo trợ và giúp ích nhiều cho Dòng, nhất là trong những ngày này.

Viết tại Mi-lăng, dịp Tổng hội năm 1225.

Xướng đáp Tv 97,2.3c ; 110,9

X

Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân.

*

Và toàn cõi đất đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Đ

Chúa đã đem lại ơn cứu độ cho dân Người. *

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã làm cho thánh Gia-xin-tô trở thành nhà giảng thuyết tuyệt vời để dẫn đưa nhiều người về với chân lý. Ước gì ân sủng Chúa làm cho cuộc đời chúng con thêm phong phú, nhờ đó mọi người nhận biết vinh quang rạng ngời của Chúa. Chúng con cầu xin