Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 28 tháng 08

Thánh Âu Tinh, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

lễ kính

Thánh nhân là Giám mục thành Híp-pô, và là nhà thần học rất sáng chói trong Hội Thánh Tây phương về vấn đề ân sủng và đạo lý, đồng thời cũng là tác giả thời danh của bản Tu luật và là vị thầy khai sáng đời sống cộng đoàn của chúng ta. “Tu luật cho tôi tớ Thiên Chúa”, chính ra được viết cho cộng đoàn nữ giới, nhưng thế kỷ XII, các kinh sĩ đã nhận dùng.

Khi Công Đồng La-tê-ra-nô IV kết thúc (1215), Đức I-nô-xen-tê III khuyên thánh Đa Minh cùng với anh em tu sĩ của mình chọn lấy một bản tu luật cựu trào làm nền tảng cho gia đình mới ! Sau đó, như chân phước Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a còn ghi lại, các tu sĩ sau này được mệnh danh là Anh Em Giảng Thuyết, đã khấn giữ tu luật thánh Âu Tinh, một nhà giảng thuyết sáng giá. Họ tự buộc giữ một số kỷ luật ngặt hơn về đồ ăn, về chay tịnh, thức khuya và về áo vải thô.

Sau này, cha Hum-bê-tô Rô-man minh chứng cho thấy thánh Âu Tinh đã viết ra tu luật đó dựa theo nếp sống các tông đồ. Ai nhìn nhận rằng kinh sĩ Đa Minh từ khoảng năm 20 tuổi đã khấn giữ tu luật thánh Âu Tinh, thì hiểu ngay đời sống tông đồ do thánh Âu Tinh thiết lập phù hợp như thế nào với chủ trương của các Anh Em Giảng Thuyết. Tuân phục theo tu luật thánh Âu Tinh và Hiến pháp của Dòng bao gồm tất cả các lời khấn của đời tu Đa Minh, ngay cả trong thời đại chúng ta.

Bài đọc 1  Cl 3,12-17

Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái

Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Xướng đáp

X

Thấy mình xa Chúa trong môi trường khác lạ, Âu Tinh như nghe thấy tiếng Chúa từ trời cao phán : Ta là lương thực của những người lớn.

*

Hãy lớn lên rồi con sẽ ăn Ta.

Đ

Con sẽ không biến Ta thành con như lương thực nuôi dưỡng thân con, nhưng con sẽ được biến thành Ta. *

Bài đọc 2 (1/3)

Đức bác ái là giới răn thứ nhất

Trích tu luật thánh Âu Tinh, Giám mục.

Anh em rất thân mến, tiên vàn, anh em phải kính mến Thiên Chúa, sau lại yêu thương tha nhân, vì đó là hai giới răn được ban cho chúng ta. Vì thế, ta truyền cho anh em, khi sống trong tu viện, phải giữ những điều sau đây :

Trước hết, sở dĩ anh em đoàn tụ lại một nơi là để sống hoà hợp trong một nhà, và để đồng tâm nhất trí trong Chúa. Đừng ai lấy gì làm của riêng, nhưng tất cả đều là của chung cho mọi anh em. Bề trên hãy phân phát lương thực và quần áo cho mỗi anh em, nhưng không đồng đều, vì anh em không có sức như nhau, ai cần bao nhiêu thì cho bấy nhiêu. Hẳn anh em đã đọc trong sách Công vụ Tông Đồ : Các tín hữu thời đó để mọi tài sản làm của chung, và phân phát cho ai nấy tuỳ theo nhu cầu của họ. Vậy anh em hãy sống nhất trí, thuận hoà và tôn kính Thiên Chúa trong nhau, vì anh em là đền thờ của Người.

Anh em hãy chuyên cần cầu nguyện theo giờ giấc đã định. Tại nhà nguyện, không ai được làm điều gì khác với mục đích của nhà mang danh là “nhà cầu nguyện” : để nếu ai rảnh rỗi, muốn cầu nguyện ngoài những giờ đã định, thì không bị trở ngại bởi những người nghĩ rằng được làm gì khác ở đó. Khi anh em dùng thánh vịnh và thánh thi mà cầu nguyện với Thiên Chúa, thì miệng đọc, lòng phải suy. Anh em hãy ăn chay, kiêng kỵ chế ngự thân xác tuỳ sức khoẻ cho phép. Còn ai không thể giữ chay được, thì đừng ăn gì ngoài bữa, trừ khi đau yếu. Y phục của anh em đừng lộng lẫy, đừng muốn gây cảm tình bằng áo mặc, nhưng bằng phẩm hạnh.

Anh em đừng cãi nhau bao giờ, hoặc phải mau chấm dứt, kẻo cơn giận hoá thành thù ghét, và từ cọng rơm hoá nên cái xà, và biến linh hồn thành sát nhân. Vì như anh em đã đọc thấy : Ai ghét anh em mình, người ấy là kẻ sát nhân.

Bề trên đừng nghĩ mình hạnh phúc vì được quyền thống trị, nhưng vì được phục vụ anh em trong đức ái. Anh em phải kính trọng Bề trên, còn Bề trên phải kính sợ Chúa và hạ mình dưới chân anh em. Bề trên phải nên gương mẫu việc lành cho mọi người ; phải sửa bảo kẻ ngỗ nghịch, an ủi người nhát đảm, nâng đỡ kẻ yếu đau và nhẫn nhục với mọi người. Bề trên phải mau mắn giữ kỷ luật và dùng quyền cho bề dưới sợ mà tuân giữ. Tuy cả hai điều đó đều cần thiết, nhưng Bề trên phải ao ước được anh em yêu mến hơn là sợ hãi, và luôn luôn nghĩ rằng mình phải thưa lại với Chúa về anh em. Vì thế, khi anh em vâng lời Bề trên, thì không những anh em thương mình, nhưng còn thương cả Bề trên nữa, vì Bề trên càng ở trên cao, càng gặp nguy hiểm hơn.

Xin Chúa ban cho anh em tuân giữ tất cả những điều trên đây, như những người quý mến vẻ đẹp thiêng liêng và toả hương thơm Chúa Ki-tô do đời sống tốt lành, không giữ như nô lệ dưới ách pháp luật, mà như con cái sống trong ơn sủng.

Xướng đáp   Cv 4,32 ; 2,46b-47a

X

Cộng đoàn tín hữu đồng tâm nhất trí,

*

Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.

Đ

Họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. *

Bài đọc 2 (2/3)

Tu luật thánh Âu Tinh bao gồm đầy đủ những gì đời tu đòi hỏi, lại càng thích hợp cho Dòng Giảng Thuyết

Trích sách Chú giải tu luật thánh Âu Tinh, Giám mục, của cha Hum-bê-tô Rô-man.

Trong các tu luật khác nhau mà nhiều tu sĩ đang phục vụ Hội Thánh tuân giữ, một số do những người không có tên trong số các thánh truyền lại, một số khác do các vị thánh viết ra, nhưng các ngài lại không nổi tiếng về sự thông thái, còn một số, dù được các vị thánh thiện và thông thái truyền lại, nhưng các vị lại không có uy thế lắm. Một điều chắc chắn là sự thánh thiện trong tâm hồn, đôi khi có khả năng hơn sự thông thái, giúp con người đưa những câu hỏi hữu ích. Tuy nhiên, đôi khi tính cách đơn sơ, cho dù thánh thiện, nếu không được sự thông thái hướng dẫn, lại đưa ra ý kiến không đáng kể mấy. Còn ý kiến phát xuất do sự thánh thiện thông thái, nhưng thiếu uy thế, cũng ít được chấp nhận. Do đó, tu luật đã được một vị rất thánh thiện, rất thông thái và rất có uy thế như thánh Âu Tinh Giám mục, truyền lại, hẳn đáng được chấp nhận như thế nào.

Thánh Âu Tinh đã biên soạn tu luật của mình theo khuôn mẫu đời sống các Tông Đồ, bằng chứng là lời hát và đọc về Người rằng, Người đã khởi sự sống theo quy luật được thiết lập thời các Tông Đồ, và trong một bài giảng nọ, chính Người đã nói : chúng tôi ao ước nếp sống của các Tông Đồ. Ai còn hồ nghi rằng nếp sống tông đồ đáng quý trọng hơn mọi nếp sống khác ? Thật đáng tán dương biết bao tu luật được dẫn xuất từ khuôn mẫu như thế ?

Vả lại, nhiều tu luật truyền dạy những điều phải giữ về thân xác, nhưng tu luật thánh Âu Tinh lại chú trọng hơn đến những hành vi thiêng liêng, như lòng mến Chúa yêu người, sự tâm đầu ý hợp và sự hài hoà về phong cách, và những điều tương tự như thế. Vậy ai lại không biết tập luyện thiêng liêng thì giá trị hơn tập luyện thể xác. Cho nên, càng chuyên lo về thiêng liêng hơn về thể xác bao nhiêu, thì càng đáng khen ngợi hơn bấy nhiêu.

Tu luật thánh Âu Tinh còn giữ được thế quân bình, không sa vào chỗ thái quá và bất cập, ấy là có quá nhiều hay quá ít lệnh truyền, nhưng theo mức độ trung dung, là mức độ mọi nhân đức phải có. Lại nữa, cần lưu ý rằng, trong tu luật của mình, trước hết, thánh Âu Tinh đưa ra những lệnh truyền, nhưng lệnh truyền không sinh ích, nếu không được tuân thủ, nên kế đến, Người đưa ra những phương sách để giữ những lệnh truyền đó. Lại khi đưa ra lệnh truyền, trước hết Người đưa ra những lệnh truyền của Thiên Chúa, rồi mới đến những lệnh truyền của mình. Khi đưa ra những lệnh truyền của mình, trước tiên, Người chú trọng đến cách thức ra lệnh, rồi giải thích từng lệnh truyền. Tôi xin hỏi, trong bất cứ một tu luật nào, phải ban hành điều nào hơn là những lệnh truyền của Thiên Chúa cùng những phương sách của nhân loại giúp chúng ta tuân giữ những lệnh truyền ấy ? Tu luật thánh Âu Tinh hàm chứa tất cả những điều như vậy, nên hàm chứa đầy đủ những gì đời tu đòi hỏi.

Ngoài ra tu luật thánh Âu Tinh còn thích hợp với Anh Em Giảng Thuyết hơn các tu luật khác. Hiển nhiên, nhà giảng thuyết phải là nhà trí thức. Vậy đối với những ai có nhiệm vụ chuyên cần học hỏi và dạy dỗ, sẽ thích hợp biết bao nếu khấn dưới tu luật của một nhà trí thức uyên bác, chỉ mong muốn cho các đồ đệ của mình chuyên cần học hỏi, đến độ không nên bỏ qua ngày nào mà không nghiên cứu sách vở.

Hơn nữa, vì tu luật thánh Âu Tinh được dẫn xuất từ gương mẫu đời sống tông đồ, đời sống mà các Anh Em Giảng Thuyết phải rập theo cho thật đúng, thế nên tu luật ấy càng thích hợp với Anh Em Giảng Thuyết hơn các tu luật khác.

Cũng vậy, một số tu luật còn truyền nhiều điều làm cho đời sống của những người khấn giữ quá cách biệt với lối sống thông thường của dân chúng, chẳng hạn, những điều khoản về y phục, kinh thần vụ, và một số những điều tương tự. Những điều khác biệt như thế có khi cản trở lợi ích của các linh hồn. Trái lại, những sự tương hợp mang theo phần phúc lợi. Vì thế, thánh Phao-lô đã trở nên mọi sự cho mọi người, hoà đồng với mọi người, để chinh phục mọi người. Tu luật thánh Âu Tinh không đặt ra những khác lạ như thế, nên càng thích hợp với Anh Em Giảng Thuyết hơn. Hơn nữa khi thiết lập Dòng mới của Anh Em Giảng Thuyết, những quy chế mới về học vấn, về thanh bần… cần được lập ra để hội nhập vào tu luật, thành thử phải lựa chọn một tu luật không có điều nào tương phản với những quy chế sẽ được đặt ra : thứ tu luật như thế là tu luật thánh Âu Tinh, một tu luật có thể hội nhập một cách thích hợp tất cả mọi quy chế thuộc nếp sống Anh Em Giảng Thuyết.

Thánh Đa Minh, Tổ Phụ các Anh Em Giảng Thuyết, đã sống theo quy luật này, đã thăng tiến trong mọi điều thiện và mang lại nhiều thành quả trong việc cứu độ các linh hồn. Vì thế, nếu các con cái của Người noi gương Người trong việc này để được thăng tiến như Người thì xứng hợp biết bao.

Xướng đáp Pl 3,15-16 ; 2 Tm 1,7

X

Tất cả chúng ta là những người hoàn thiện, chúng ta hãy nghĩ như thế trong Đức Giê-su Ki-tô.

*

Hãy đồng tâm nhất trí với nhau và theo cùng một quy luật.

Đ

Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh và tình thương. *

Hoặc : x. Rm 6,14 ; Gl 4,1-7 ; Ep 5,1-2.21

X

Xin Chúa ban cho anh em giữ tất cả những điều đó như những người quý mến vẻ đẹp thiêng liêng.

*

Đừng giữ như nô lệ dưới ách pháp luật, nhưng như con cái sống trong ân sủng.

Đ

Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái. Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. *

Bài đọc 2 (3/3)

Ôi chân lý ngàn đời, bác ái chân thật và vĩnh cửu dấu yêu

Trích sách Những lời tuyên xưng của thánh Âu Tinh, Giám mục.

Được bảo phải trở về với chính mình, con đã nhờ Chúa hướng dẫn đi vào tận lương tâm ; và con có thể làm được là vì Chúa là Đấng giúp đỡ con. Con đã vào, và với con mắt của linh hồn, mà còn cao hơn con mắt của linh hồn nữa, con đã nhìn thấy ánh sáng bất biến.

Không phải là thứ ánh sáng tầm thường mắt thịt nào cũng có thể nhìn được ; cũng chẳng phải là thứ ánh sáng đồng loại như thứ ánh sáng phàm kia, nhưng chỉ mạnh hơn, và như thế mỗi lúc mỗi sáng hơn để soi sáng tất cả ; không, không phải loại ánh sáng đó ; nhưng là thứ ánh sáng khác hẳn, hoàn toàn khác hẳn những thứ kia. Ánh sáng đó không ở trên tâm trí con như vết dầu nổi trên mặt nước, hay như trời ở bên trên mặt đất ; nhưng cao hơn, vì chính ánh sáng đó đã làm ra con ; và con ở dưới ánh sáng đó, vì con đã được ánh sáng đó dựng nên. Ai biết chân lý, thì biết ánh sáng đó.

Ôi chân lý ngàn đời, bác ái chân thực và vĩnh cửu dấu yêu ! Chúa là Thiên Chúa của con ; ngày đêm con khao khát Chúa. Khi con nhận biết Chúa lần đầu tiên, Chúa đã nâng con lên với Chúa để con nhìn thấy hiện hữu của hữu thể con nhìn ; nhưng con chưa thể nhìn được chính hiện hữu của con là kẻ đang nhìn. Chúa dọi ánh sáng quá mạnh vào con, khiến con mắt yếu đuối của con hoa lên ; con run lên vì yêu mến và vì sợ hãi. Con nhận ra con ở xa Chúa, trong một vùng đất khác hẳn. Và dường như con nghe thấy tiếng Chúa từ trời cao : “Ta là lương thực của những người lớn. Con hãy lớn lên rồi hãy ăn Ta. Khác với lương thực nuôi thân xác, con không biến được Ta thành con đâu, nhưng chính con sẽ phải biến sang Ta.”

Con tìm cách kiếm được một sức mạnh nào có thể giúp con hưởng Chúa, nhưng con đã không tìm ra, cho mãi đến khi con ôm lấy Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là con người Đức Giê-su Ki-tô, Đấng vượt trên hết mọi sự, Thiên Chúa đáng chúc tụng cho đến muôn đời. Chính Người kêu gọi chúng con và bảo : Đấng là sự thật, sự sống, chính là Ta. Người là Ngôi Lời đã thành xác thịt ; thứ lương thực mà trước đây con không dùng được thì Người đã đem vào xác thịt, để sự khôn ngoan mà Chúa đã dùng tạo dựng vạn vật, trở thành sữa nuôi tuổi thơ của chúng con.

Lạy Chúa là vẻ Đẹp vừa rất xa xưa vừa hằng mới mẻ, con đã yêu mến Chúa quá muộn ! Này, bấy giờ Chúa đã ở trong con và con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài ; con đã vô duyên nhào vào các vật đẹp đẽ mà Chúa đã dựng nên. Thành ra bấy giờ Chúa ở với con, mà con không ở với Chúa. Các vật đẹp đẽ kia cứ giữ con ở xa Chúa hoài, đang khi chính chúng cũng không thể hiện hữu nếu không hiện hữu trong Chúa. Chúa đã gọi con, đã la to và đã phá được sự điếc lác của con ; Chúa đã toả hương thơm, khiến con ngửi được, và bây giờ con chỉ hướng về Chúa mà thôi ; con đã nếm thử Chúa, và bây giờ con đói, con khát Chúa ; Chúa đã đụng chạm đến con, nên bây giờ con bứt rứt muốn tìm bình an nơi Chúa.

Xướng đáp

X

Ôi chân lý, ánh sáng của lòng con ; tối tăm của con không còn nói gì với con nữa ; con đã lầm lạc và nhớ đến Chúa.

*

Và bây giờ con nôn nóng, khát khao trở về mạch suối của Chúa.

Đ

Con không còn là sự sống của con nữa ; con đã sống chẳng ra gì theo ý mình ; nay con hồi sinh trong Chúa. *

Lời nguyện

Lạy Chúa, xin khơi dậy trong lòng Giáo Hội ơn Thánh Thần Chúa đã ban cho thánh giám mục Âu-tinh, để nhờ Thánh Thần nung nấu, chúng con chỉ khát khao môt mình Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, và chỉ tìm kiếm một mình Chúa là Thiên Chúa Tình Thương. Chúng con cầu xin