Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 10 tháng 5

Thánh An-tô-ni-nô, Giám mục

lễ nhớ

An-tô-ni-nô Pi-ê-rô-di sinh tại Phi-ren-xê năm 1389. Năm 1405 được chân phước Gio-an Đa Minh nhận vào Dòng như phần tử của tu viện tương lai ở Phê-xu-la. Lúc ấy, thừa lệnh của chân phước Rây-mun-đô Ca-pu-a, chân phước Đa Minh đang cố gắng phục hưng nếp sống tu trì tại các tu viện. Hết năm tập ở Cô-tô-na, năm 1406, An-tô-ni-nô về Phê-xu-la, và là tu sĩ đầu tiên của tu viện này. Tại đây, một trung tâm canh tân đang được xây cất. Năm 1413, An-tô-ni-nô thụ phong linh mục, và nổi tiếng về đời sống nhiệm nhặt, khôn ngoan và thông thái. Từ năm 1418, với tư cách là Bề trên tu viện, Người liên tục điều khiển anh em tu sĩ và cổ võ đời sống nghiêm túc tại Cô-tô-na, Phê-xu-la, Nê-a-pô-li và Rô-ma. Người được nhận làm Dự thẩm Toà án Tối cao, và là một giáo sư xuất sức về giáo luật.

Nhờ kinh phí do một người quyền quý là Cốt-ma Mê-đi-xi chịu, tu viện thánh Mác-cô ở Fi-ren-xê được hoàn thành, và thánh nhân được bầu làm Bề trên (1436-1444) vào đúng thời kỳ chân phước Ăng-ghê-li-cô thực hiện những hoạ phẩm tuyệt vời, cũng vào chính thời kỳ ấy, các khoa nhân văn được phát triển tại đây và thư viện công cộng đầu tiên ở Âu Châu được thiết lập. Từ năm 1437, thánh An-tô-ni-nô giữ chức Tổng Đại diện các tu viện theo kỷ luật nghiêm nhặt tại Ý. Thánh nhân tham dự công đồng chung Fi-ren-xê (1438), và năm 1444, Đức Ơ-giê-ni-ô IV đặt Người làm Tổng Giám mục Fi-ren-xê. Người lừng danh về sự khôn ngoan, thông thái, đến độ thiên hạ thường gọi Người bằng tước hiệu là “An-tô-ni-nô cố vấn”.

Đầy đoàn sủng của vị mục tử nhân lành, An-tô-ni-nô là một vị Tổng Giám mục ưu tú : quán xuyến mọi việc, săn sóc người nghèo khổ, nhất là những người cô thế cô thân. Và để giúp đỡ họ, Người thành lập hội “Ái hữu thánh Mác-ti-nô.” Như vậy, Người là vị tiên phong của phong trào cứu trợ xã hội ngày nay. Người rộng tay giúp đỡ đến độ bán hết tài sản. Người là vị chấn hưng hàng giáo sĩ, tuy nhiệm nhặt, nhưng lại ôn hoà, một vị chủ chăn, một thầy dạy giáo lý và nhất là một nhà giảng thuyết thời danh. Người viết nhiều sách súc tích đạo lý và đức ái. Tác phẩm nổi tiếng nhất là “Tổng yếu luân lý” (Summa moralis). Tác phẩm này minh chứng thánh nhân rất thông thạo luân lý. Thánh nhân qua đời ngày 2-5-1459. Ngày 31-5-1523, Đức Giáo hoàng Hát-ri-a-nô VI đã phong hiển thánh cho Người.

Bài đọc 2 (1/3)

Cây sự sống, là Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập giá, cung cấp hoa trái có sức cứu độ

Trích bài giảng của thánh An-tô-ni-nô, Giám mục.

Thánh Gio-an viết trong sách Khải huyền : Chúa đã tỏ cho tôi thấy ở giữa hai nhánh sông có cây sự sống sinh hoa trái. Cây sự sống là Chúa Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Nói rằng Người ở giữa hai nhánh sông nghĩa là nhờ Người mà tổ phụ của Cựu Ước và của Tân Ước được cứu độ. Và chính Thiên Chúa trên thập giá cung cấp toàn những hoa trái có sức cứu độ nhân loại, phát sinh bởi cây thập giá, như chúng ta thấy trong hình bóng. Xét về phía nhân loại, nên gẫm suy bốn hoa trái này :

– Hoa trái thứ nhất là giá cứu chuộc chúng ta. Thánh Am-rô-xi-ô viết : tội chúng ta nặng đến độ chúng ta không thể được cứu chuộc, nếu Con Một Thiên Chúa không chịu chết thay cho chúng ta là những kẻ mắc nợ. Sở dĩ như thế, vì xét về phía Đấng mà tội lỗi xúc phạm, về điều thiện mà tội lỗi làm mất mát, và về bản tính mà tội lỗi làm hư hỏng, thì tội lỗi loài người nặng vô cùng. Thế nên cần phải được cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô thanh tẩy. Thánh Phê-rô dạy : Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được giải thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại, nhưng nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Ki-tô.

– Hoa trái thứ hai là đặc ân được Thiên Chúa yêu thương. Tặng phẩm thường hay khích thích tình yêu, như có lời rằng : Ai được tha nhiều thì yêu nhiều. Mà tặng phẩm nào càng được yêu thích hơn, càng quý hơn. Vậy ngoại trừ Đấng đáng yêu đệ nhất, thì sự sống đáng được yêu hơn hết. Nên ai tặng chính sự sống cho bạn hữu thì đã tặng món quà cao quý nhất, đúng như lời thánh Bê-na-đô đã than thở : “Lạy Chúa Giê-su nhân từ, chén Chúa đã uống, tức công cứu chuộc chúng con, khiến con phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự.”

– Hoa trái thứ ba là khiên mộc chở che chúng ta. Trước khi Chúa Ki-tô chịu khổ nạn, nhiều người sa vào tội thờ ngẫu tượng, và không có sức chống lại ma quỷ. Nhưng sau cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, kẻ thù địch đã trở nên suy yếu, phải thua hoặc sa ngã, đừng kể chính họ muốn thế, như thánh Ghê-gô-ri-ô đã viết : “Tên thù chỉ thắng được người muốn thua là tên thù yếu.” Chúng ta được như vậy chính là nhờ sự chết của Chúa Ki-tô. Vì thế có lời chép rằng : Nhờ máu con chiên mà họ chiến thắng ma quỷ. Thật ra, người tín hữu phải nhờ đức tin mới thấy máu ấy được. Nhờ máu ấy, họ được khích lệ để chiến đấu, như lời rằng : Hãy tưởng nhớ đến Đấng đã cam chịu để cho người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh khỏi sờn lòng nản chí.

– Hoa trái thứ tư là vinh dự tột đỉnh của chúng ta. Vinh dự cao quý nhất của một thành là có dân thành được chọn làm Hoàng đế thống trị khắp hoàn cầu, hay làm Giáo hoàng cai quản khắp Giáo hội. Theo kiểu đó thì bản tính nhân loại có phẩm vị cao quý nhất, vì Chúa Ki-tô đã chết theo bản tính nhân loại của Người, và nhờ sự chết, Người đã lãnh nhận danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, như lời rằng : Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Cũng trong chính bản tính mà Người đã chịu khổ nạn, Người được phán xét toàn thể vạn vật, như lời đã chép : Người là Đấng Thiên Chúa đã đặt làm thẩm phán người sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng : phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.

Xướng đáp    Cl 3,1-3

X

Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

*

Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. (Ha-lê-lui-a).

Đ

Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô. *

Bài đọc 2 (2/3)

Vũ trụ dạy chúng ta khôn ngoan, không chỉ để biết những điều về Thiên Chúa, lại cả những điều phải làm

Trích lời tựa sách Tổng yếu luân lý của thánh An-tô-ni-nô, Giám mục.

 

Lạy Chúa,

công trình Ngài quả thiên hình vạn trạng !

Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,

những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Đó là lời ngôn sứ thưa với Chúa khi được xuất thần, được chiêm ngưỡng uy nghi của Chúa, ngạc nhiên trước sự thiện hảo của Chúa tỏ ra nơi các công trình của Người. Nơi các công trình ấy, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cực thánh được giãi bày đầy đủ, mầu nhiệm của Đấng mà chúng ta phải luôn luôn nài xin và mong được trợ giúp, cùng hướng dẫn mọi việc lành của chúng ta, cũng là việc của Người, tới đích. Ông Pơ-la-tô đã nói : không có Đấng Tối cao ấy thì không một bản tính nào tồn tại được, không một lý trí nào hiểu biết được, không một hành động nào xong xuôi mà bỏ qua Người, không một khởi công nào có nền tảng ổn định được.

Vậy trước tiên, ngôn sứ nhắc đến quyền năng lạ lùng, được biệt ứng cho Chúa Cha, khi nói : Lạy Chúa, côn gtrình Ngài quả thiên hình vạn trạng. Thứ đến là sự khôn ngoan quen biệt ứng cho Chúa Con, vì nói : Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan. Thứ ba, nhắc đến lòng rộng lượng hải hà đối với chúng ta, và thường biệt ứng cho Chúa Thánh Thần, nên nói : Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Về điểm thứ nhất, ông Mác-đô-kê đã nhắc tới quyền nặng lạ lùng Chúa tỏ ra nơi tạo vật khi thân thưa với Chúa rằng : Lạy Chúa là vua toàn năng, mọi loài đều được đặt dưới quyền bính Chúa… Vì Chúa đã dựng nên trời đất và tất cả những gì ở dưới vòm trời. Ở đây cũng tỏ rõ quyền năng cao cả, được biệt ứng cho Chúa Cha, Đấng tạo dựng mọi sự từ hư vô, chứ không bằng chất liệu sẵn có, như nghệ sĩ.

Về điểm thứ hai, có lời chép : Nguồn mạch sự khôn ngoan là Lời Thiên Chúa trên chốn cao thẳm, và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Quả thật, Lời là Con Thiên Chúa, như nghệ thuật của Chúa Cha toàn năng, nhờ nghệ thuật ấy, và trong nghệ thuật ấy mà muôn vật được tạo thành với kế hoạch tột đỉnh và tuyệt vời : Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan. Đặc tính của người khôn ngoan là biết sắp xếp. Vì thế, với trật tự tuyệt vời, Chúa đã tác thành muôn vật, để mọi vật đều có chỗ đứng xứng hợp. Do đó, hiển nhiên là vũ trụ thì mỹ miều, và thế giới được Chúa quan phòng cai quản. Quả Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan.

Sau hết, chính vũ trụ như một cuốn sách được viết cả trong lẫn ngoài, dạy chúng ta khôn ngoan để biết những điều thần linh, như lời rằng : Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua công trình của Người. Không những thế, sách ấy còn dạy chúng ta khôn ngoan về những điều phải làm, như lời rằng : Hãy hỏi súc vật, chúng sẽ dạy bạn, hãy hỏi chim trời, chúng sẽ cho bạn hay, hãy ngỏ lời với đất đai, nó sẽ đáp lời bạn và cá biển sẽ thưa bạn rõ.

Khi Chúa ra lệnh cho mọi loài phải làm theo mục đích mà chúng đã được tạo dựng, thì không bao giờ chúng ai lệnh. Chúng thông mình cho các loài khác, như đất trổ sinh cây cối, và không giống nào nhàn cư. Lại do những đặc tính của chúng, chúng con cống hiến cho con người vô số chứng cứ để sống cho tốt lành. Như thế, quả Chúa đã hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, nghĩa là dùng vạn vật để ban cho chúng ta được khôn ngoan.

Còn về điều thứ ba : Thiên Chúa rộng lượng, hải hà đối với chúng ta. Thánh Âu-tinh dạy : Tất cả những gì Chúa đã tạo thành do quyền năng và thượng trí tuyệt vời, thì Người đã làm vì con người. Bởi thế, ngôn sứ nói thêm : Những loài Chúa đã dựng nên lan tràn mặt đất. Đất chính là con người, vì con người mang đất, trở về đất, đạp đất và nhờ đất mà tồn tại. Thiên Chúa đã làm lan tràn trên mặt đất này những loài mà Người đã dựng nên.

Thiên Chúa sở hữu những sự trên trời, dưới đất và thần linh. Thiên Chúa đã làm cho loài người đầy tràn trên mặt đất. Thiên Chúa ban cho chúng ta những vật dưới đất để ta sử dụng, như lời : Đặt muôn loài muôn sự dưới chân, ban những sự vật trên trời, tức là các thiên thần để trợ giúp : Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng, được sai đi phục vụ con người sao ? Vậy Thiên Chúa đã làm cho con người được tràn đầy Thiên Chúa khi Ngôi Lời trở thành nhục thể : Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, tức chúng ta, đến nỗi đã bạn Con Một. Thế nên, có thể nói cho minh bạch rằng : Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Xướng đáp   x. Tv 103,24 ; Cn 3,19

X

Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng. Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan.

*

Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất. Ha-lê-lui-a.

Đ

Chúa khôn ngoan đã đặt nền trái đất. Lạy Chúa, Chúa khôn ngoan giữ vững bầu trời. *

Bài đọc 2 (3/3)

Sự ân cần mục vụ của thánh An-tô-ni-nô

Trích tiểu sử thánh An-tô-ni-nô, Giám mục, của Phan-xi-cô Cát-ti-li-ô-nê.

Thánh An-tô-ni-nô là Giám mục 13 năm và được mọi người thán phục. Trước hết, Người muốn toà Giám mục là một gia đình thật thanh bạch : toà nhà không rộng bao nhiêu, hầu như không đủ chỗ cho những văn phòng cần thiết. Người loại bỏ mọi sự sang trọng, xa xỉ trong cách ăn mặc của chính Người cũng như của những nhân viên giúp việc. Người không có đồ dùng lộng lẫy, không chén vàng, chén bạc, không nuôi chó, nuôi ngựa như các vị Giám mục thường làm. Người chỉ giữ lại một con la người ta đã tặng, phòng khi có việc cần thiết. Người nói : dùng của cải dành cho người nghèo mà nuôi súc vật hoặc dùng vào bất cứ việc xa xỉ nào đều bất xứng với Giám mục.

Trao phó cho viên quản lý trông nom mọi hoa lợi, bổng lộc và việc quản trị mọi việc trong nhà, Người dành riêng cho mình việc mục vụ. Người năng khuyên nhủ toàn thể gia nhân kính sợ Thiên Chúa, bắt họ phải ăn uống cho đầy đủ, nhưng luôn luôn phải tránh mọi xa hoa lãng phí. Người ăn uống thanh đạm, không bận tâm đến vấn đề đó. Người luôn luôn thức dậy ban đêm, và rất ân cần đến nỗi dậy sớm trước khi báo hiệu kinh ban mai tại nhà thờ chính toà. Sau khi đã chuyên chăm và sốt sắng nguyện kinh thần vụ với các giáo sĩ, Người dùng thời giờ còn lại để học hỏi thánh khoa và chép sách cho đến giờ Kinh Ba.

Đến giờ Kinh Ba, Người dâng thánh lễ và không bao giờ bỏ, chỉ trừ trường hợp rất khẩn thiết. Dâng lễ xong, Người dùng trọn thời giờ còn lại cho tới khuya để chăm lo việc mục vụ, đừng kể những khoảnh khắc dành cho nhu cầu phần xác.

Mọi chuyện rắc rối trong thành, của hàng giáo sĩ và nhất là của dân chúng đều dồn đến Người. Vì mọi người đều nhất trí trao những việc đó cho Người như vị thẩm phán thành thạo và rất công minh. Nhà Người ngày nào cũng đầy những tu sĩ, kẻ thì xin của bố thí – vì Người phân phát mọi tài sản của mình cho người nghèo, người thì xin những phán quyết chắc chắn và chân chính nhất về những điều hoài nghi.

Người thông hiểu Kinh Thánh, thành thạo công việc và đầy kinh nghiệm để chỉ vẽ đường ngay nẻo chính không những cho người trong thành mà cả những người xa lạ : vua chúa cũng như các giám chức, hết thảy đều tôn trọng phán quyết của Người trong những vấn đề quan trọng. Vì thế, nếu trước kia thiên hạ đã từng gọi Người là tu sĩ An-tô-ni-nô cố vấn, thì khi Người được thăng chức Giám mục, thiên hạ cũng theo thói quen gọi Người bằng danh hiệu đó.

Xướng đáp x. 2 Tm 4,7-8

X

An-tô-ni-nô, người của Thiên Chúa, đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Nên trong giờ lâm chung, người vui vẻ nói :

*

Phụng sự Thiên Chúa là cai trị. Ha-lê-lui-a.

Đ

Giờ đây, tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. *

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh giám mục An-tô-ni-nô biệt tài hướng dẫn mọi người. Xin cho ánh sáng của Chúa cũng soi chiếu mọi hành động của chúng con trong cuộc đời tăm tối này. Chúng con cầu xin