Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024

Ngày 15 tháng 11

Thánh An-bê-tô Cả, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

lễ kính

An-bê-tô, sinh tại La-vin-gia, xứ Xoa-vi-a (Đức), vào cuối thế kỷ XII hay đến thế kỷ XIII (năm 1223), tốt nghiệp đại học Pa-ta-vi-a, cũng tại đây, An-bê-tô lãnh tu phục Dòng Đa Minh từ tay chân phước Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a. Từ năm 1242 đến 1248, An-bê-tô làm giáo sư tại Pa-ri. Trong số các môn sinh của người, có Tô-ma A-qui-nô là xuất sắc nhất. Với trí óc quảng bác, An-bê-tô đã dạy cho các sinh viên, từ khắp nơi quy tụ tại Pa-ri, một khoa học mới, là khoa vật lý của A-rít-tốt, theo bản dịch của người Do-thái và Ả-rập. Năm 1248, An-bê-tô làm Viện trưởng Học viện, mới được thành lập, tại Cô-lô-ni-a, và Tô-ma A-qui-nô cũng theo người về đây. Sau khi đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, người được bầu làm Bề trên Tỉnh Dòng Đức (1254-1257). Người đã cùng với tu sĩ Dòng Phan-xi-cô là Bô-na-ven-tu-ra quyết liệt biện hộ cho các Dòng hành khất được quyền giảng dạy trong các đại học.

Năm 1260, người được tấn phong làm Giám mục thành Ra-tít-bon, nhưng hai năm sau, vì nghĩ mình bất xứng, người đã xin từ nhiệm để trở về với công cuộc nghiên cứu. Người đã tài tình phối hiệp sự khôn ngoan của chư thánh với kiến thức nhân loại. Đã lừng danh vì các tác phẩm do người biên soạn và vì tài sư phạm, người còn lẫy lừng hơn vì đức độ vẹn toàn và vì đức ái mục vụ. Người cũng nổi tiếng về lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể và Đức Trinh nữ, theo người ta kể lại, là Đấng đã củng cố người trong chí hướng tu trì. Người đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc về thánh khoa cũng như về các khoa học. Người được xứng đáng được mệnh danh là “Tiến sĩ bách khoa” và “Tôn sư”. Người qua đời ngày 15 tháng 11 năm 1280 tại Cô-lô-ni-a. Năm 1459, Đức Pi-ô II kể người vào hàng những tiến sĩ thánh thiện của Hội Thánh. Ngày 16-12-1931, Đức Pi-ô XI tuyên dương người là hiển thánh, rồi Đức Pi-ô XII đặt người làm bổn mạng các chuyên khoa về khoa học tự nhiên.

Bài đọc 1 Kn 7,7-14.17-21

Tôi kể vàng bạc là không khi sánh với Đức Khôn Ngoan

Lời Chúa trong sách Khôn ngoan.

Tôi nguyện xin,
và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
Tôi kêu cầu,
và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.

Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.
Tôi coi của cải chẳng là gì
so với Đức Khôn Ngoan.

Đối với tôi, trân châu bảo ngọc
chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan,
vì vàng trên cả thế giới,
so với Đức Khôn Ngoan,
cũng chỉ là cát bụi,
và bạc, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng kể như bùn đất.

Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan
hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng,
vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan
chẳng bao giờ tàn lụi.

Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan,
mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan,
của cải quá nhiều không đếm xuể.

Tôi vui hưởng mọi sự tốt lành ấy,
vì chính Đức Khôn Ngoan
đem chúng đến với tôi ;
thế mà tôi lại không biết rằng
Đức Khôn Ngoan là mẹ sinh ra chúng.

Những điều tôi đã thành tâm học hỏi được,
xin truyền đạt hết, không dè sẻn chi.
Tôi không hề giấu giếm của cải phong phú
của Đức Khôn Ngoan.

Đức Khôn Ngoan
là kho báu vô tận cho con người.
Chiếm được Đức Khôn Ngoan
là được nên bạn hữu với Thiên Chúa,
và được Người tin cậy,
vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban.

Chính Người đã khấng ban cho tôi
tri thức xác thực về những gì đang hiện hữu
để tôi thấu hiểu cơ cấu của vũ trụ
và năng lực của các nguyên tố tạo thành,

thấu hiểu về thời gian từ khởi thuỷ,
qua các thời đại,
và cho đến tận cùng của nó,
thấu hiểu về thời tiết chuyển vần,
về các mùa thay đổi,

thấu hiểu về chu kỳ năm tháng,
về vị trí tinh tú trên trời,

thấu hiểu bản tính các sinh vật
và bản năng các loài dã thú,
thấu hiểu các mãnh lực thần thiêng
và các tư tưởng của con người,
thấu hiểu các loài thảo mộc
và công hiệu của rễ cây.

Mọi sự tiềm ẩn và mọi sự trông thấy được,
tôi đều biết hết.
Vì chính người thợ làm ra muôn vật muôn loài
đã chỉ dạy cho tôi.
Người thợ ấy chính là Đức Khôn Ngoan.

Xướng đáp x. Kn 7,17-21

X

Người đã ban cho tôi trí tri các vật, biết được cơ cấu càn khôn và năng lực ngũ hành, bản tính loài vật và bản năng mãnh thú, phân loại thảo mộc, dược tính rễ cây.

*

Chính tay thợ làm ra vạn vật đã dạy tôi sự khôn ngoan.

Đ

Mọi điều ẩn tàng hay minh bạch, tôi đều đã biết. *

 

Bài đọc 2 (1/3)

Thiên Chúa đã ghi dấu hình ảnh người trên chúng ta

Trích sách Chú giải Phúc Âm thánh Mát-thêu, của thánh An-bê-tô Cả, Giám mục.

Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn. Đức Chúa phán bảo ông A-ha-ron : “Ta là phần và là sản nghiệp của ngươi giữa con cái Ít-ra-en”. Xa-ra, vợ của chủ tôi, sẽ sinh cho chủ tôi một người con trai, khi đã cao niên ; và người sẽ ban cho nó tất cả những gì người có.

Bà Xa-ra, trước hết được hiểu về Hội Thánh : người Con của niềm vui vĩnh cửu, hoa quả và sản nghiệp, là người mà Chúa Cha sinh ra bằng ân sủng, qua Hội Thánh. Vào lúc tuổi già của những thời sau hết này : người Con cũng sẽ ban cho chúng ta mọi sự, tất cả những gì Người có, làm sản nghiệp, vì khi ban chính mình, Người ban tất cả mọi sự thuộc về Người. Thiên Chúa không ngại xưng mình là Chúa của họ. Linh hồn tôi đã nói : “Đức Chúa là phần của tôi ; nên tôi sẽ hy vọng vào Người”.

Vì vậy, đây là những hành động của sự bảo trợ hiền phụ đối với những kẻ mà Cha trên trời sinh hạ qua ân sủng. Người đã tự ý sinh ra chúng ta bằng lời chân lý, để chúng ta nên hoa quả đầu mùa trong thụ tạo của Người. Bằng cách này, Thiên Chúa ghi dấu hình ảnh bản tính thần linh trên chúng ta, và như là kết quả của sự hiểu biết, vì người ta biết vật gì thì biết bằng hình ảnh của vật đó và bằng nhận thức ghi khắc trong tâm hồn.

Từ hiểu biết mới nảy sinh đức tin, đức tin mở mắt chúng ta nhìn về Chúa Cha ; từ sự hiệp nhất đó phát sinh đức ái chăm chú hướng đến Chúa Cha ; và từ lòng yêu thương Thiên Chúa dành cho chúng ta, nảy sinh niềm hy vọng giúp con mắt tìm kiếm những sự trên cao. Vì, khi đặt niềm tín thác vào tình yêu của Chúa Cha, chúng ta không thoả mãn với những sự thấp hèn. Vì thế, Thiên Chúa được gọi là “Cha”.

Một lời cầu nguyện bắt đầu với lời chào dịu dàng như thế không thể không trở thành một lời cầu nguyện yêu mến và thân thiết. Vì vậy, trong lời Phúc Âm trên đây, Thiên Chúa là Đấng ở với chúng ta và trông thấy chúng ta trong nơi kín ẩn, vì Thiên Chúa vừa thân thiết vừa dịu ngọt. Nếu không phải thế thì chúng ta không dám đến gần Thiên Chúa. Và do đó, người Con Một, mà nhờ thần trí của Người, chúng ta được nhận làm con cái, là Đấng ở trong cung lòng Chúa Cha.

Xướng đáp Tv 70,17-18

X

Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài. Cả lúc con già nua tuổi tác.

*

Xin đừng bỏ rơi con.

Đ

Con sẽ công bố dũng lực của Ngài cho các thế hệ mai sau. *

Bài đọc 2 (2/3)

Về việc chuẩn bị cầu nguyện

Trích khảo luận Về cách thức cầu nguyện được coi là của thánh An-bê-tô Cả, Giám mục.

Nên biết rằng cần phải chuẩn bị để cầu nguyện. Có hai cách để chuẩn bị, là chuẩn bị xa và chuẩn bị gần.

Chuẩn bị xa có hai thứ : bên trong và bên ngoài. Chuẩn bị bên trong gồm ba việc : thứ nhất là tẩy sạch lương tâm. Nếu lòng chúng ta không khiển trách chúng ta, chúng ta được tín nhiệm ở Chúa, và chúng ta xin gì cùng Người cũng sẽ được. Thứ hai là tự hạ, vì Chúa đoái nhìn đến lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhu và không chê chối lời họ xin. Thứ ba là tha thứ những sỉ nhục : Khi các con muốn đến cầu nguyện, hãy bỏ qua những gì bất bình với người khác để Cha các con trên trời tha thứ tội lỗi cho các con.

Chuẩn bị bên ngoài cũng gồm ba việc : thứ nhất là chu toàn giới luật Chúa, vì như thánh I-xi-đô-rô đã dạy, nếu chúng ta thi hành lệnh Chúa truyền, chúng ta xin gì chắc chắn sẽ được. Thứ hai là hoà giải với anh em bị xúc phạm : Nếu con đến bàn thờ dâng của lễ mà ở đó, con nhớ người anh em có điều bất bình với con, con hãy bỏ của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với anh em con đã, rồi mới trở lại dâng của lễ của con. Thứ ba là ăn chay và làm phúc bố thí là những việc có sức củng cố lời nguyện cầu vì I-sai-a đã nói : Hãy chia bánh cho người đói và đưa dẫn người cùng quẫn lang thang về nhà con, lúc ấy con kêu cầu Chúa, Chúa sẽ nhậm lời con.

Còn chuẩn bị gần cũng có hai thứ, nghĩa là bên trong và bên ngoài. Chuẩn bị bên trong cũng lại chia làm ba. Thứ nhất là hồi tâm : Khi cầu nguyện, con hãy vào phòng đóng cửa lại và hãy cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo ; vào phòng là kéo lòng mình về với mình và đóng cửa là giữ lòng. Kéo lòng mình về với mình là thâu hồi vào nội tâm những ý nghĩ và cảm tình tản mác bên ngoài.

Thứ hai là chú tâm vào Chúa, vì chúng ta chân thành cầu nguyện khi chúng ta không suy nghĩ gì khác. Vậy trước hết, tâm hồn phải được tẩy sạch và xa lánh mọi ý nghĩ về những sự vật trần thế, để lòng thanh sạch thật sự và đơn sơ hướng thẳng về Chúa. Mọi tư tưởng xác thịt và trần tục phải đẩy ra xa, và tâm hồn không nghĩ gì nữa ngoài việc mình cầu xin. Vì thế, trước khi cầu nguyện trong kinh Tiền Tụng, linh mục chuẩn bị lòng anh em bằng lời rằng : “Hãy nâng tâm hồn lên”, và anh em thưa : “Chúng tôi đang hướng về Chúa”, để đóng cửa lòng ngăn chặn đối phương, và mở cửa ra cho duy mình Thiên Chúa, lòng trí và miệng lưỡi chúng ta không có chi bất đồng.

Vậy bạn xin Chúa nghe lời bạn sao được khi bạn không nghe chính bản ? Bạn muốn Chúa nhớ đến bạn khi mà chính bạn không nhớ đến mình ! Đó là xúc phạm uy linh Thiên Chúa vì ươn lười cầu nguyện, đó là mắt tỉnh mở, mà lòng ngủ say, trong khi người Ki-tô hữu cả lúc ngủ, lòng vẫn phải thức.

Thứ ba là kích thích lòng sốt sắng yêu mến Chúa. Việc này được thực hiện đặc biệt qua lúc suy gẫm về phận hèn của chúng ta và về lòng nhân hậu hay thương xót của Thiên Chúa. Khi suy về phận hèn của chúng ta, chúng ta biết cần phải xin gì, còn khi suy về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải xin với lòng khát vọng như thế nào.

[Chuẩn bị bên ngoài hệ tại ba điều này : tư thế, y phục và cử điệu. Về tư thế, chắc chắn rằng đứng, ngồi và cả nằm nữa cũng cầu nguyện được. Tuy nhiên, khi cầu nguyện công khai, buộc chúng ta phải giữ cách thế Hội Thánh hoặc tiền nhân chúng ta đã chỉ định. Về y phục, hãy lưu ý rằng : người cầu nguyện nên mặc áo khiêm nhường và thông dụng. Còn về điệu bộ, hãy lưu ý có thể quỳ gối, giang tay, đấm ngực, ngước mắt lên, cúi mặt xuống, thinh lặng hoặc nói thành lời, nhỏ lệ, than thở, kêu van, và những việc tương tự].

Xướng đáp   Tv 60, 2-3.6

X

Lạy Chúa Trời, xin nghe tiếng kêu van, và lưu ý đến lời con thỉnh nguyện.

*

Từ cùng cõi địa cầu, con kêu lên Chúa.

Đ

Bởi vì, lạy Chúa, Chúa đã nghe lời khấn nguyện của con, lại cho con thừa hưởng cơ nghiệp dành cho ai kính sợ danh Ngài. *

Bài đọc 2 (3/3)

Mục tử và tiến sĩ trong việc xây dựng thân thể Chúa Ki-tô

Trích bài Chú giải Phúc Âm thánh Lu-ca của thánh An-bê-tô Cả, Giám mục.

Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Trong câu này có hai điều đáng ghi nhận. Thứ nhất là mệnh lệnh phải thực hành bí tích này, đó là điều Người ám chỉ khi bảo : Anh em hãy làm việc này. Thứ đến, đây là việc kính nhớ việc Chúa ra đi chịu chết vì chúng ta.

Người bảo : Anh em hãy làm việc này. Không gì hữu ích hơn ; không gì ngọt ngào, không gì cứu sống, không gì đáng mến hơn, không gì hợp với đời sống vĩnh cửu hơn lệnh truyền đó. Chúng ta sẽ lần lượt nêu rõ các điểm ấy.

Bí tích này thật là hữu ích để tha tội và rất hữu ích để đem lại tràn đầy ơn sủng cho đời sống của ta. Đấng ấy, là Cha các thần trí, đã dạy dỗ chúng ta làm điều hữu ích để nhận lãnh ơn thánh hoá của Người. Thế mà ơn thánh hoá của Người lại nằm trong hiến tế của Đức Ki-tô, tức là khi tự hiến trong bí tích. Người dâng mình cho Chúa Cha vì chúng ta và phó mình cho chúng ta làm của ăn. Vì họ mà Con tự hiến chính mình Con. Chúa Ki-tô, Đấng đã nhờ Thánh Linh mà tiến mình làm hy sinh vô tỳ tích dâng lên Thiên Chúa, sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi các việc chết, mà phụng sự Thiên Chúa hằng sống.

Chúng ta không thể làm gì ngọt ngào hơn việc Thiên Chúa đã làm để bày tỏ tất cả sự ngọt ngào của Người cho chúng ta. Chúa đã thết họ bánh dọn sẵn từ trời, họ không vất vả làm ra, bánh gồm mọi hương vị, hợp với mọi sở cầu. Vì thực phẩm Người ban tỏ bày tình ngọt ngào của Người đối với con cái, biết chiều theo sở hiếu người lấy đem về, mà biến hoá theo như lòng mỗi người mong muốn.

Và cũng không gì cứu sống hơn. Vì bí tích này là trái cây hằng sống, ai ăn với lòng tin sốt mến thành thật sẽ không chết đời đời. Đó là cậy sự sống cho kẻ nắm được nó và người cầm giữ nó trở thành có phúc. Kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ Ta.

Cũng không gì đáng mến hơn. Quả vậy, đây là bí tích thực hiện tình yêu và sự kết hiệp. Dấu chỉ tình yêu cao trọng nhất, là tự hiến mình làm của ăn. Những kẻ trong lều tôi đã chẳng nói : ai là kẻ Người đã chẳng cho ăn thịt thoả thuê ? Dường như Người muốn nói rằng : Ta thương họ và họ mến Ta đến nỗi Ta muôn sở trong họ ; còn họ, họ cũng muốn chịu lấy Ta để sát nhập vào Ta thành các chi thể của Ta. Họ không thể kết hiệp với Ta cũng như Ta không thể kết hiệp với họ mật thiết hơn và tự nhiên hơn nữa được.

Cũng không gì hợp với đời sống vĩnh cửu hơn. Vì sự sống được trường tồn là nhờ Thiên Chúa ngọt ngào hoà mình vào trong con người của các thánh.

Xướng đáp     Lc 22,29 ; Ga 15,16

X

Thầy sẽ ban quyền cai trị cho anh em, như Cha Thầy đã ban cho Thầy.

*

Để anh em được đồng bàn với Thầy trên vương quốc của Thầy.

Đ

Chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả. *

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh An-be-tô xứng đáng với danh hiệu vĩ đại, vì đã biết phối hợp kiến thức loài người với chân lý mặc khải. Xin cho chúng con biết thụ giáo với thánh nhân để khi càng mở mang kiến thức, chúng con càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin