Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Ngày 8 tháng 11

Tưởng nhớ các anh chị em Dòng Giảng Thuyết

Dòng chúng ta là một đoàn dân gồm những người đã chịu phép Rửa, dấn thân trong việc tông đồ, chúng ta đang tiến về với Chúa. Hôm qua chúng ta đã được vẻ vang mừng kính các anh chị em đang chung hưởng trọn vẹn vinh quang của Chúa Ki-tô, và đang vui mừng trên trời. Ngày lễ hôm nay, dòng tưởng niệm những anh chị em đã ly trần, đã đi trước chúng ta với ấn tín đức tin, để cầu nguyện cho họ trong ngày lễ giỗ chung này.

Bài đọc 1   Ac 3,17-26

Thinh lặng cậy trông ơn cứu độ của Chúa,đó là một điều tốt

Lời Chúa trong sách Ai ca.

Hồn tôi hết được bình an thư thái,
tôi đã quên mùi hạnh phúc rồi.

Tôi tự nhủ : cuộc sống của mình nay chấm dứt,
hy vọng nơi ĐỨC CHÚA cũng tiêu tan.

Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con,
và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng.

Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng,
khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi.

Đây là điều con suy đi gẫm lại,
nhờ thế mà con vững dạ cậy trông :

Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn,
lòng thương xót của Người mãi không vơi.

Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới.
Lòng trung tín của Người cao cả biết bao !

Tôi tự nhủ :
“ĐỨC CHÚA là phần sản nghiệp của tôi,
vì thế nơi Người, tôi trông cậy.”

ĐỨC CHÚA xử tốt với ai tin cậy Người,
với ai hết lòng tìm kiếm Chúa.

Biết thinh lặng đợi chờ,
đợi chờ ơn cứu độ của ĐỨC CHÚA,
đó là một điều hay.

Xướng đáp

X

Ông La-da-rô chết thối trong mồ, Chúa đã cho sống lại.

*

Lạy Chúa, xin ban cho các linh hồn được nghỉ yên và được ân xá.

Đ

Chúa sẽ đến dùng lửa mà xét xử kẻ sống, kẻ chết và trần gian. *

Bài đọc 2 (1/4)

Không nên khóc thương anh em chúng ta

Trích sách Về sực chết của thánh Xíp-ri-a-nô, Giám mục, tử đạo.

Biết bao lần Chúa cũng đã mặc khải cho chính những người hèn mọn và rốt hết. Người lại thường xuyên và minh bạch đoái thương truyền lệnh cho tôi phải ân cần chứng thực và công khai rao giảng : không nên thương khóc các anh em chúng ta, đã được Chúa đến giải thoát khỏi trần gian, vì chúng ta biết, họ không bị bỏ mất, nhưng được gửi đi trước, họ ra đi trước như những người lên đường hay vượt biển, chúng ta phải mong ước đi cùng với họ, nhưng không được khóc thương, ở đây cũng không được mặc tang phục đang khi ở đó họ được mặc áo trắng tinh, đừng làm cớ cho người ngoại có lý và có quyền chỉ trích chúng ta rằng, những người mà chúng ta nói là đang sống trong Chúa, thì chúng ta lại khóc thương như đã bị tiêu diệt và hư vong, và đức tin chúng ta đã tuyên xưng nơi miệng lưỡi, thì chúng ta lại không chứng minh nơi lòng dạ. Chúng ta là những người phản bội niềm hy vọng và đức tin của ta, những điều ta nói xem ra chỉ là giả dối, bịa đặt bôi bác. Lời nói đề cao nhân đức mà việc làm lại phá đổ chân lý thì ích lợi gì ?

Sau hết, thánh Phao-lô tông đồ khiển trách và hạch tội những ai than khóc khi có thân nhân qua đời rằng : Thưa anh em, về những người đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em không hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền, như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su Ki-tô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng với Đức Giê-su. Thánh Tông Đồ coi những kẻ buồn phiền khi có thân nhân qua đời như những kẻ không có niềm tin.

Còn chúng ta, những người sống trong hy vọng và tin kính Thiên Chúa, và xác tín Đức Ki-tô đã chịu khổ nạn vì chúng ta và đã sống lại, chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, nhờ Người và trong Người, chúng ta sẽ sống lại, vậy tại sao chính chúng ta không muốn ra khỏi đời này, tại sao chúng ta than khóc, đau buồn về những người đã ra đi như thể đã mất ? Chính Đức Ki-tô là Chúa và là Thiên Chúa chúng ta từng nhắn nhủ và nói với chúng ta rằng : Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống, và phàm ai sống và tin Ta, sẽ không chết đời đời. Nếu chúng ta tin Chúa Ki-tô, nếu chúng ta tin Lời Người và những gì Người đã hứa, và chúng ta không chết đời đời, thì chúng ta hãy vững tâm hoan hỷ đến cùng Chúa Ki-tô, để cùng Người vinh thắng và hiển trị muôn đời.

Khi chết, chúng ta nhờ sự chết mà bước vào cõi bất tử ; không ra khỏi đời này, thì đời sống vĩnh cửu không thể tiếp diễn. Đây không phải là sự tận diệt, nhưng là sự vượt qua, đã rảo qua quãng đường tạm thời là bước sang chốn vĩnh cửu. Ai lại không hối hả tiến đến những cái hoàn hảo hơn ? Ai lại không mong ước được thay đổi và cải biến đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô và mau lẹ tiến tới địa vị vinh quang trên trời ? Thánh Phao-lo tông đồ giảng dạy rằng : Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô sẽ từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.

Chúng ta hãy yêu quý ngày chỉ định nơi cư ngụ cho mỗi người, ngày kéo chúng ta ra khỏi trần gian, cứu chúng ta thoát mọi xiềng xích thế trần, và đưa chúng ta về thiên đàng, về Nước Trời. Kẻ tha hương nào lại không mau mắn trở về cố hương ? Người nào đang vất vả vượt trùng dương về thăm người thân thuộc lại không mong mỏi được thuận buồm xuôi gió, để chóng được gặp người quyến thuộc, tay bắt mặt mừng ?

Chúng ta nhận thiên đàng làm quê hương. Ở đó, đông đảo những người nghĩa thiết, cha mẹ, anh em đang chờ đợi chúng ta, đông đảo con cái đang mong mỏi chúng ta : họ đã nắm chắc phần hạnh phúc của mình, nhưng còn chăm lo phần rỗi của chúng ta. Anh chị em rất thân yêu, chúng ta cũng hay hăm hở đến với họ, để sớm được ở với họ và sớm được đến với Chúa Ki-tô.

Xướng đáp 1 Tx 4,13-14 ; Gr 22,10

X

Về những ai đã an giấc ngàn thu, anh em đừng buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.

*

Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su Ki-tô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng : những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.

Đ

Đừng khóc thương những người đã chết, cũng đừng để tang những người ấy. *

Bài đọc 2 (2/4)

Chứng từ của tu sĩ Ven-tu-ra Vê-rô-na về giờ chết của Thánh Phụ Đa Minh

Trích hồ sơ phong thánh cho cha Đa Minh.

Vào cuối tháng 7 năm 1221, cha Đa Minh từ giã Đức Cha U-gô-li-ô, khi đó là Giám mục thành giáo phận Ốt-xi-a, nhưng làm Sứ Thần Toà Thánh tại Viên, mà trở về Bô-lô-ni-a. Về tới nhà, cha Đa Minh rất nhọc mệt vì người lên cơn sốt nặng. Mặc dù mệt như vậy, người vẫn đàm đạo với chính nhân chứng, lúc đó là tân tu viện trưởng, và với tu sĩ Rô-đun-phô cho tới khuya về tình hình của Dòng. Nhân chứng muốn đi nghỉ, nên xin cha Đa Minh cũng đi ngủ và đừng thức dậy nguyện giờ kinh đêm nữa, nhưng cha Đa Minh không nhận lời xin ấy, người vào nhà thờ và thức đêm cầu nguyện, mặc dù người đã tham dự giờ kinh đêm, như nhân chứng đã nghe anh em và chính cha Đa Minh kể lại.

Nhân chứng còn nghe anh em thuật lại rằng : sau giờ kinh đêm, cha Đa Minh nhức đầu. Và từ lúc ấy, người bắt đầu trở nên xanh xao rõ rệt vì bệnh, cơn bệnh đã đưa người về chầu Chúa. Vậy đang khi nằm liệt, người không muốn nằm trên giường, nhưng trên nệm rơm, và truyền gọi các tập sinh tới, người dùng những lời rất êm dịu, cố gắng vui vẻ an ủi và khuyên bảo họ. Người nhẫn nại chịu cơn bệnh ấy và những đau đớn khác, nét mặt luôn luôn tỏ ra vui tươi hớn hở.

Khi cơn bệnh trở nên trầm trọng, các anh em đưa người lên dưỡng sức tại nhà thờ Đức Mẹ trên núi là nơi thoáng khí hơn. Người biết mình sắp chết, liền cho gọi cha Bề trên và anh em đến. Khoảng chừng 20 tu sĩ và cha Bề trên đến thăm. Họ vây xung quanh người, và tuy nằm liệt như vậy, người khởi sự giảng cho họ một bài rất hấp dẫn và cảm xúc, rồi theo ý người, họ đã xức dầu thánh cho người. Lúc đó, nhân chứng nghe nói rằng vị đan sĩ quản đốc thánh đường tuyên bố, nếu cha Đa Minh qua đời, thi hài của người sẽ không được mang đi nơi khác, nhưng phải chôn cất tại thánh đường ấy. Khi chính nhân chứng thuật lại cho cha Đa Minh nghe như vậy, thì cha Đa Minh trả lời : “Không được, phải chôn cất cha dưới chân anh em. Hãy mang cha ra khỏi đây để cha chết dọc đường và các con có thể chôn cất cha tại thánh đường của chúng ta.” Tức khắc, anh em đưa người về nhà thờ thánh Ni-cô-la ở Bô-lô-ni-a, vừa đi vừa sợ người chết dọc đường.

Tới nơi, người nghỉ một giờ rồi cho gọi chính nhân chứng này và nói : “Các con hãy chuẩn bị.” Khi cha Bề trên cùng các anh em chuẩn bị đọc kinh phó dâng linh hồn cách trang trọng, họ vây quanh người, nhưng chính cha Đa Minh lại bảo cha Bề trên và anh em : “Chờ một chút nữa”. Đang khi chờ đợi, cha Bề trên thưa : “Thưa cha, cha biết mất cha, chúng con buồn phiền lắm, xin cha nhớ cầu cùng Chúa cho chúng con.” Và ngước mắt lên trời, cha Đa Minh cầu nguyện : “Lạy Cha chí thánh, Cha biết con đã tự nguyện luôn luôn tuân hành ý Cha, và những kẻ cha đã trao phó cho con, con đã giữ gìn và bảo vệ họ. Nay con xin hoàn lại cho Cha, xin Cha giữ gìn và bảo vệ họ.” Nhân chứng còn nói đã nghe anh em thuật lại rằng khi xin cha Đa Minh nhớ đến mình, thì người trả lời : “Sau khi qua đời, cha sẽ giúp ích và làm ơn lành cho anh em hơn khi còn sống.”

Một lát sau, cha Đa Minh nói với cha Bề trên và anh em : “Các con hãy khởi sự đi” và họ bắt đầu đọc kinh phó dâng linh hồn cách trang trọng. Chính cha Đa Minh, như nhân chứng nhận thấy được, cũng đọc kinh phó dâng với anh em, vì người mấp máy môi. Đang khi anh em đọc kinh, thì người tắt thở. Anh em tin chắc rằng chính lúc họ đọc những lời này : “Hỡi các thánh của Thiên Chúa, xin đến nâng đỡ. Hỡi các thiên thần của Chúa, xin mau đến nhận lấy linh hồn này và dâng lên trước tôn nhan Đấng Cao Cả”. Chính lúc ấy, cha Đa Minh thở hơi cuối cùng.

Xướng đáp

X

Ôi hy vọng lạ lùng cha hứa
cho anh em lệ ứa trào dâng
khóc cha lìa thế, cha rằng :
Thác rồi cha sẽ đổ tràn ơn thiêng.

*

Cha ơi, xin giữ liên lời trối
giúp đoàn con, cầu với Chúa Trời.

Đ

Cha giãi sáng rạng ngời phép lạ
thương bệnh nhân chữa đã tật nguyền
bệnh thiêng xin hãy giảm thuyên
bằng ơn cứu độ nhiệm huyền thần thiêng. *

Bài đọc 2 (3/4)

Nhờ Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô, bí ẩn về sự đau khổ và sự chết được sáng tỏ

Trích hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng (ss. 18-22) của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, về Hội Thánh trong thế giới ngày nay.

Trước cái chết, thân phận con người trở nên bí ẩn đến tột độ. Chẳng những con người bị dày vò vì sự đau khổ và vì sự suy nhược dần dần của thân xác, nhưng hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Theo bản năng, con người có lý để ghê sợ cùng tẩy chay chính việc bản thân bị huỷ diệt hoàn toàn và bị tiêu diệt vĩnh viễn. Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể giản lược vào vật chất, nên nó nổi lên chống lại sự chết. Mọi cố gắng của kỹ thuật dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người : bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể làm thoả mãn khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được ghi khắc trong tâm hồn con người.

Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực, nhưng Hội Thánh được mặc khải của Thiên Chúa dạy, quả quyết rằng : con người được Thiên Chúa sáng tạo để đạt tới cứu cánh hạnh phúc, sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Ki-tô giáo còn dạy rằng sự chết thể xác, mà con người vấn vương như hệ luỵ của tội lỗi, sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho con người sự cứu rỗi mà vì tội, họ đã đánh mất.

Bởi vì Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Người trong sự hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống thần linh bất diệt. Chúa Ki-tô đã đem lại sự chiến thắng ấy khi Người sống lại. Và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết. Vậy đức tin, với những lý chứng vững chắc, đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Đồng thời, đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Ki-tô, và làm cho họ hy vọng rằng, những người ấy đã thật sự sống nơi Thiên Chúa.

Quả vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Chắc chắn nhu cầu và bổn phận thúc đẩy người Ki-tô hữu, qua nhiều gian truân, phải chiến đấu chống sự dữ và phải chết. Nhưng vì được dự phần vào mầu nhiệm Vượt Qua, được đồng hoá với cái chết của Chúa Ki-tô, được củng cố bởi đức cậy, họ sẽ được ơn phục sinh.

Điều nói trên đây không chỉ có giá trị cho các tín hữu, mà còn cho tất cả những người thiện chí được ơn thánh hoạt động cách vô hình trong tâm hồn. Thật vậy, vì Chúa Ki-tô đã chết cho mọi người, và vì ơn gọi cuối cùng của con người thật sự là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc chắn rằng. Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm vượt qua ấy một cách chỉ có Thiên Chúa biết.

Đó là tính chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được mặc khải Ki-tô giáo soi sáng cho các tín hữu. Vậy nhờ Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Ki-tô đã sống lại, nhờ sự chết của mình, Người đã huỷ diệt sự chết, và Người đã ban sự sống dồi dào cho ta, để ta, là con cái trong Chúa Con, chúng ta kêu lên trong Thánh Thần : Áp-ba, lạy Cha.

Bởi vì nơi Người, bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt. Do đó, chính nơi chúng ta nữa, bản tính ấy cũng được nâng lên tới phẩm giá siêu việt. Vì chính Con Thiên Chúa, khi nhập thể, đã kết hợp một cách nào đó với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Ma-ri-a, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.

Là Chiên vô tội, Người tự ý đổ máu ra để chúng ta được sống, và chính trong Người, Thiên Chúa đã hoà giải chúng ta cùng Thiên Chúa và chúng ta với nhau, cũng như đem chúng ta ra khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi. Do đó, mỗi người chúng ta có thể nói như thánh Tông Đồ rằng : Con Thiên Chúa đã yêu thương chúng tôi, lại hiến thân cho tôi nữa. Chịu đau khổ vì chúng ta, không những Người nêu gương để chúng ta theo vết chân Người, nhưng Người còn mở ra con đường mới, để nếu chúng ta bước theo, thì sự sống và cái chết sẽ được thánh hoá và có một ý nghĩa mới.

Xướng đáp Tv 26,1-2 ; 22,4

X

Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ gì ai nữa ?

*

Người bảo vệ tôi như thành trì kiên cố, ai làm tôi run rẩy ?

Đ

Dầu qua thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy hại, vì có Chúa ở cùng. *

Bài đọc 2 (4/4)

Cùng chết với Đức Ki-tô

Trích bản văn của tu sĩ Phê-rô An-rê Li-ê-giê, linh mục.

Lòng tin vào sự hy sinh và cái chết của Đức Ki-tô cho thấy biến cố này là nguồn suối và là cửa mở vào tất cả sự kiện trong đời sống chúng ta mang hình thức hiến tế và từ bỏ. Vì Thiên Chúa hằng sống, qua thập giá của Chúa Giê-su, lại không mặc khải mình là Đấng Thiên Chúa biến đổi sự chết, sự dữ và các tai hoạ khác trong đời sống chúng ta thành niềm hy vọng đó sao ? Trong lễ hy sinh của mình, Chúa Giê-su lại đã không phục hồi mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, bằng cách chấp nhận sự đau đớn cực độ về tinh thần đó sao ?

Cùng chết với Đức Ki-tô có nghĩa là bó buộc phải đi theo Người, nhiệt tâm kiên trì trong chính niềm hy vọng và trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Quả thật, qua cuộc chiến đấu thiêng liêng này, chúng ta được giải thoát cùng với Đức Ki-tô khi chúng ta hiến mình cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng mọi giá chống lại giả dối và bất công, nguy hại hoặc hung bạo, thù hận hoặc mưu định quyền lực, hoặc nhát sợ. Tuy nhiên, trong niềm hy vọng, chúng ta liên kết với Đức Ki-tô, khi từ sâu thẳm của sự chết, hay từ nỗi thất vọng hoặc bất lực, hoặc từ sự vô tín hay vô vọng của người khác – tất cả những điều này thật đáng khiển trách trong đời sống chúng ta – chúng ta tín thác hoàn toàn vào sự chăm sóc của Thiên Chúa hằng sống.

Mầu nhiệm Phục Sinh chiếu sáng mọi sự từ bỏ mà chúng ta chấp nhận, hoặc những thất bại mà chúng ta phải chịu, hoặc việc chủ trị bản thân chúng ta hãy kỷ luật mà chúng ta tùng phục. Ở đây chúng ta không đề cập tới những thứ khôn ngoan khắc kỷ hay những thứ khổ hạnh luân lý. Thật vậy, được phục sinh với Đức Ki-tô, đời sống đó hoà nhập vào dòng thác “cùng chết với Đức Ki-tô”. Đời sống đó biến đổi cuộc chiến và sự bần cùng của chúng ta. Đời sống đó mời gọi chúng ta hy sinh và quyết định. Nếu ta sống, là sống cho Thiên Chúa ; nếu ta chết là chết cho Thiên Chúa. Như vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa.

[Cùng chết với Đức Ki-tô có nghĩa là khắc phục lối sống lãnh đạm tránh tính hay thay đổi, bỏ tính nhẹ dạ, từ khước cái vô ích và những việc làm bề ngoài, để chọn Phúc Âm chân thực và trung thành gắn bó với Phúc Âm ấy.

Cùng chết với Đức Ki-tô có nghĩa là giải thoát chính mình khỏi của cải và vinh ba nhân loại, đồng thời điều chỉnh đời sống của mình hướng về Nước Chúa.

Cùng chết với Đức Ki-tô là chấp nhận mạo hiểm trong tình yêu nhân loại vốn đòi hỏi từ bỏ chính mình, và chấp nhận trong việc làm chứng cho chân lý và công bình trước mặt người khác, hoặc phải cảm nghiệm nỗi khó khăn trong việc giữ vững đức tin mà người ta đã lãnh nhận.

Cùng chết với Đức Ki-tô liên quan đến tất cả những vấn đề khắc khổ trong đời sống hằng ngày của chúng ta, hoặc phải chịu đựng những khó khăn hay chấp nhận những thay đổi dẫn đến sự canh tân lòng tín trung.

Cùng chết với Đức Ki-tô là chấp nhận cái chết của mỗi người như một hy sinh và chôn táng chính mình trong Thiên Chúa một cách tín thác, và cũng là chấp nhận cái chết của anh em, chị em, bạn bè mình trong niềm hy vọng.

Cùng chết với Đức Ki-tô là lấy tinh thần thanh thản mà chịu đựng tuổi tác, hắt hủi, mất mát – kể cả trong những lao nhọc tông đồ.

Cùng chết với Đức Ki-tô là được giải thoát khỏi tính ích kỷ và đam mê do những động lực khác nhau, để yêu mến, chia sẻ, cảm thông và hoà giải với người khác.

Cùng chết với Đức Ki-tô là đôi khi phải cảm nghiệm đêm tối của đức tin và can đảm chịu đựng.

Như vậy trong đời sống mỗi người Ki-tô hữu đều có nhiều cơ hội từ bỏ và hy sinh, kể cả những gì cần thiết. Chúng ta phải cảnh giác đừng để những cơ hội này trở thành những việc làm thuần tuý theo thói quen. Tuỳ theo hoàn cảnh riêng, tuỳ theo thời gian của mỗi người, hoặc tuỳ theo ơn gọi của mỗi người, Chúa Thánh Thần thúc đẩy mỗi người vào lúc thích hợp mà họ có thể lắng nghe được. Điều này càng xảy ra khi linh hồn ở trong tình trạng an bình và vui tươi, hơn là giữa những ồn ào kích động].

Thật sự, việc cử hành Thánh Thể tuyệt nhiên không có ở nơi mà Đức Ki-tô – Đấng đã chia sẻ hy lễ vượt qua của mình cho các tín hữu liên kết với nhau – không nhận được gì từ đời sống hy sinh của họ, và sự từ bỏ mình theo tinh thần Phúc Âm như là đặc trưng của đời sống ấy. Quả thế, mọi sự phải được sức mạnh phục sinh của Chúa biến đổi thành hoa trái của đời sống. Đó không phải là cách chúng ta cử hành Thánh Thể sao ?

Xướng đáp x. Br 3,2 ; Gđt 7,19 (Tv 103,6)

X

Chúng ta hãy sửa chữa những tội chúng ta đã phạm vì vô tình : kẻo ngày chết đến thình lình, chúng ta tìm cơ hội ăn năn, mà không tìm được :

*

Lạy Chúa, xin lắng nghe, xin thương xót, vì chúng con đã phạm tội chống lại Chúa.

Đ

Cùng với cha ông chúng con, chúng con đã phạm tội chúng con đã cử xử bất công, đã làm điều gian ác. *

Lời nguyện

Lạy Chúa là Đấng đã kêu gọi chúng con chia sẻ cùng một niềm hy vọng, chúng con khẩn khoản cầu xin cho các anh chị em chúng con đã qua đời. Chúa đã yêu thương và trao ban cho họ sứ vụ loan báo Tin Mừng khi họ còn tại thế, nay xin Chúa cũng nhân từ đón nhận các anh chị em ấy vào chung hưởng bình an và hoan lạc với Chúa. Chúng con cầu xin