Chúa nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024

Ngày 15 tháng 9

Đức Mẹ Bảy Sự

Bổn mạng Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

lễ kính

Nhân dịp Tổng hội Dòng nhóm họp tại Bô-gô-ta năm 1965, Ban Cố vấn Phụ Tỉnh (Việt Nam) của Tỉnh Dòng Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi đã gửi kiến nghị lên Tổng hội xin thành lập Tỉnh Dòng tại Việt Nam với thánh hiệu “NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO”. Ngày 18-3-1967, trong nghi lễ thành lập Tỉnh Dòng, Bề trên Tổng Quyền Aniçeto Fernandez đã tuyên bố đây là “tước hiệu linh thánh” (sacer titulus, x. Anal. S.O.P. Vol. XXXVIII, tr. 237…).

Để ghi ơn sâu đậm của Đức Trinh nữ, đồng thời nhận thấy lượng an bài tỉ mỉ của Thiên Chúa trên nguồn gốc của Tỉnh Dòng, qua những hoàn cảnh chính trị, xã hội, cho đến chính ngày thành lập Tỉnh Dòng, là ngày thứ sáu tuần V Mùa Chay, ngày tưởng niệm sự đau khổ của Đức Mẹ, nên ngày 10-12-1967, Ban Cố Vấn của Tân Tỉnh Dòng đã nhất trí xin Toà Thánh cho Tỉnh Dòng được nhận Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo làm Bổn mạng đệ nhất, và mừng lễ kính vào ngày thứ sáu tuần V Mùa Chay (x. Nhật ký Tỉnh Dòng, tr. 27).

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Tỉnh Dòng, ngày 29-12-1967, Thánh Bộ Phụng Tự (Prot. N. 0.77. 967), đã nhân danh Đức Thánh Cha Phao-lô VI, cho phép Tỉnh Dòng long trọng mừng lễ kính Bổn Mạng vào ngày thứ sáu sau Chúa nhật Thương Khó, với phụng vụ Giờ Kinh và thánh lễ Tưởng niệm sự đau khổ của Đức Mẹ, hay là Đức Mẹ Bảy Sự (x. Công vụ Tỉnh Hội 1969, Phụ lục XII).

Ngày 25-8 và 25-11-1985, cha Bề trên Tỉnh và Ban Cố Vấn đã đệ đơn lên Bề trên Tổng Quyền xin Toà Thánh cho phép dời ngày lễ Bổn Mạng Tỉnh Dòng sang ngày 15-9 (x. Công vụ Tỉnh Hội 1985, số 27). Thỉnh nguyện này đã được chấp thuận trong văn thư của Bề trên Tổng Quyền Damian Byrne đề ngày 23-1-1986 (x. Công vụ Tỉnh Hội 1990, Phụ trương II).

Bài đọc 1        Is 7,10-14 ; 8,10 ; 11,1-9

Dấu Em-ma-nu-en

Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a.

Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng : “Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Vua A-khát trả lời : “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA.”

Ông I-sai-a bèn nói : “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít ! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa ? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.

Hãy bày mưu lập kế, mưu kế đó sẽ bị phá vỡ, hãy ra lệnh, lệnh đó sẽ không được thi hành, vì Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.”

Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này : thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA. Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.

Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.

Xướng đáp Is 7,14 ; 9,6.7

X

Này đây người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai

*

và danh hiệu Người là Đấng Kỳ Diệu, Đức Chúa, Đấng mạnh mẽ.

Đ

Người sẽ ngự trị trên ngài vàng và trên vương quốc vua Đa-vít đến muôn đời. *

Hoặc : Gl 3,22 – 4,7

Nhờ đức tin, chúng ta là con cái và là người thừa kế của Thiên Chúa

Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

Anh em thân mến, Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, điều Thiên Chúa đã hứa được ban cho các kẻ tin.

Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải. Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.

Tôi thiết nghĩ : bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ. Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi !” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Xướng đáp x. Gl 4,4-5 ; Ep 2,4 ; Rm 8,3

X

Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con Đức Trinh Nữ và sống dưới Lề Luật.

*

Để chuộc những ai sống dưới Lề Luật.

Đ

Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên sai chính Con mình đến, mang thân xác giống như thân xác tội lỗi. *

Bài đọc 2

Mẹ đứng kề bên thánh giá

Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, Viện phụ.

Cuộc tử đạo của Đức Trinh nữ đã được gợi lên trong lời tiên tri của Si-mê-on cũng như trong bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Vị thánh tiên tri già đã nói về trẻ Giê-su rằng : Này, Người có mệnh làm dấu gợi lên chống đối, và hướng về Đức Ma-ri-a, ông nói : Và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu.

Quả thật, ôi Mẹ diễm phúc, mũi gươm đã đâm thâu hồn Mẹ. Nó không đâm thâu hồn Mẹ sao được khi nó đâm vào thân xác Con Mẹ ! Thật vậy, Đức Giê-su tuy là của mọi người nhưng phải nói đặc biệt là của Mẹ, khi Người đã trút linh hồn thì lưỡi gươm tàn bạo không còn làm tổn thương gì cho linh hồn Người nữa, nó không tha cho kẻ đã chết mà nó không còn làm hại gì được ; nó đâm thủng cạnh sườn Người, nhưng thật ra nó đã đâm thâu hồn Mẹ. Linh hồn Người không còn ở đó nhưng tâm hồn Mẹ thì không sao tránh được. Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ niềm cảm thông đau khổ của Con khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác.

Rồi lời sau đây đối với Mẹ không sắc hơn lưỡi gươm sao, vì quả thật nó xuyên thủng tâm hồn, đi đến chỗ phân rẽ linh hồn và tâm linh. Lời rằng : Hỡi Bà, này là Con Bà ! Ôi trao đổi gì mà kỳ vậy ! Mẹ được trao cho Gio-an thay vì Chúa Giê-su, tớ thay vì Chủ, trò thay vì Thầy, con của Dê-bê-đê thay vì Con Thiên Chúa, người phàm thay vì Thiên Chúa thật. Làm sao nghe như thế mà tâm hồn đầy âu yếm của Mẹ không bị đâm thâu, trong khi tâm hồn chúng con dù chai lỳ sắt đá, chỉ nhớ đến thôi, cũng đã tan nát rồi.

Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên tại sao Đức Ma-ri-a được xưng là chịu tử đạo trong tâm hồn. Có lẽ sẽ ngạc nhiên, nếu người ta quên lời thánh Phao-lô đã nói rằng : một trong các tội tày đình của dân ngoại là vô tâm bất nghĩa. Nhưng lòng Mẹ đã không bao giờ như thế, và ước gì chúng ta là tôi tớ Mẹ cũng xa lánh thứ tội ấy.

Nhưng có lẽ có người nói : Phải chăng Mẹ đã không biết trước rằng Người sẽ chết ? Mẹ đã biết chắc. Mẹ đã không hy vọng Người sẽ phục sinh sao ? Mẹ đã tin tưởng chứ. Như vậy mà Mẹ còn đau khổ vì Người chịu đóng đinh sao ? Chắc chắn, và Mẹ đã đau khổ nhiều. Hỡi bạn, bạn là ai và sự khôn ngoan của bạn ở đâu, mà bạn lại có thể ngạc nhiên về Đức Ma-ri-a đồng đau khổ với Con hơn là về chính Con Mẹ chịu đau khổ ? Người đã chết nơi thân xác, mà Mẹ đã không chết với Người trong tâm hồn sao ? Tình yêu đã khiến Chúa chịu chết là một tình yêu không ai có thể hơn được, còn tình yêu đã khiến Mẹ cùng chịu chết trong tâm hồn cũng la fmột tình yêu mà, từ đó về sau, không có một tình yêu nào tương tự như thế.

Xướng đáp x. Ga 19,17-18 ; Lc 2,35

X

Khi đến nơi gọi là Núi Sọ, họ đóng đinh Người.

*

Và đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Thân mẫu Người.

Đ

Bấy giờ mũi gươm đau đớn đã đâm thâu tâm hồn diễm phúc của Mẹ. *

Lời nguyện

Lạy Chúa, khi Đức Ki-tô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh Mẫu mà kết hợp với Đức Ki-tô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Đức Ki-tô, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.