Ngày 8 tháng 5
Đức Mẹ Bảo Trợ Dòng
lễ nhớ
Trong Hội Thánh, Đức Trinh nữ Ma-ri-a thường được kêu cầu với những tước hiệu : “Vị Trạng sư, Đấng Bảo trợ, Đấng Phù giúp, Đấng Trung gian.” Bởi chưng trong nhiệm cục ơn thánh, chức vụ làm Mẹ mang ơn cứu độ của Người vẫn tồn tại mãi, vì “Người vẫn cầu bầu cho chúng ta nhiều cách để được những ân huệ giúp đạt tới phần rỗi đời đời” (LG 62).
Cha Hum-bê-tô Rô-man quả quyết : “Chính Đức Trinh nữ đã tích cực trợ giúp trong việc thành lập Dòng… Hy vọng Người dẫn đưa Dòng đạt tới đích cách hoàn hảo” (Opera II, 70-71). Ngay từ thời sơ khai, Dòng đã nhận Đức Trinh nữ làm Đấng Bảo trợ, “và không ngần ngại tuyên xưng, lại luôn cảm nghiệm sự bảo trợ ấy, cùng khuyên nhủ mọi người ghi lòng tạc dạ ơn ấy, để nhờ sự phù trợ hiền mẫu, mọi người cùng gắn bó với Đấng Cứu chuộc” (LG 62), ngõ hầu chu toàn sứ vụ cam go là mang ơn cứu độ đến cho toàn thế giới.
Trước đây, Dòng mừng lễ Đức Mẹ Bảo trợ vào ngày 22 tháng 12, để ghi nhớ ngày Đức Hô-nô-ri-ô III châu phê Dòng (22-12-1216).
Ngày nay, sau cuộc canh tân lịch phụng vụ, các ngày trong tuần mùa Vọng có quyền ưu tiên hơn các “lễ nhớ”, nên lễ Đức Mẹ Bảo Trợ mừng vào ngày 8 tháng 5, tháng mà Giáo hội thường dành riêng để kính Đức Mẹ. Vì vào ngày ấy, trong nhiều phụng vụ riêng, Đức Trinh nữ được tôn sùng nhiều cách khác nhau, với cũng một lý do, dưới một tước hiệu nào đó.
Bài đọc 2 (1/3)
Dòng chúng ta được Đức Trinh nữ làm bổn mạng đặc biệt
Trích sách diễn giải Hiến pháp, của cha Hum-bê-tô Rô-man.
Do những biến cố xảy ra trong thời sơ khai của Dòng, có thể viện dẫn nhiều lý do giúp chúng ta quả quyết rằng : chính Đức Trinh nữ Ma-ri-a là bổn mạng riêng của Dòng. Do những điều tôi đã được nghe và những điều khác ghi trong sách Đời sống các anh em, chính Đức Ma-ri-a quả là Mẹ đặc biệt của một Dòng đã được thành lập để ngợi khen, chúc tụng và rao giảng về Con Chí Thánh của Người, vì Người đã gây dựng, cổ võ và bảo vệ Dòng ấy.
Vì thế, trong khi cầu nguyện, thánh phụ Đa Minh luôn phó thác Dòng cho Đức Mẹ như vị bổn mạng đặc biệt, đúng như được kể lại trong Tân truyền thuyết. Cũng vì thế mà hằng ngày chúng ta vẫn phó dâng mình cho Mẹ, qua việc đi kiệu đến trước toà Người.
Còn nhiều lý chứng khác giúp chúng ta đề cao sự bảo trợ của Mẹ.
Sự bảo trợ của người quyền thế trong triều đình thì hiệu nghiệm hơn, và Mẹ chính là người quyền thế đó. Hẳn Mẹ không thể thiếu khả năng bảo trợ, vì Mẹ là Nữ Vương thiên triều. Thế nên có lời chép về Mẹ rằng : Quyền thế của Ta ở Giê-ru-sa-lem.
Lại nữa, khi cần phải cầu xin Chúa điều gì, ai càng thân thiết với Chúa, thì sự bảo trợ của người ấy càng mạnh thế hơn. Vậy ai thân thiết với Chúa Con hơn Đức Mẹ ? Ôi mối tình đậm đà thắm thiết biết bao ! Vì thế, có lời chép : Hoàng hậu đứng bên hữu Đức Vua, nghĩa là thân thiết với Đức Vua hơn ai hết trong thiên triều. Vả lại, ai càng làm cho quân thù kinh hãi, thì sự bảo trợ của người ấy càng mạnh. Vậy quân thù sợ Mẹ như đạo binh xếp hàng vào trận. Cho nên có thể hy vọng rất nhiều là Mẹ sẵn sàng bảo trợ.
Mẹ không phải là người thờ ơ đối với những ai chạy đến cùng Mẹ, nhưng hoàn toàn dịu hiền, đầy lòng từ bi lân tuất, đầy lòng nhân hậu xót thương. Vì thế, Mẹ được ca tụng là Mẹ dịu hiền. Vả lại, ai càng có nhiệm vụ đối với kẻ cơ bần, càng đáng ta hy vọng vào sự trợ giúp của người đó. Vậy Mẹ có nhiệm vụ trọng đại đối với tội nhân, vì tất cả vinh quang của Mẹ là tại cứu giúp họ. Thế nên, Mẹ được gọi là chồi non nảy sinh từ cội gốc Giê-sê, có nghĩa là đám cháy. Bởi vì từ đám cháy tình yêu nồng nhiệt của Thiên Chúa đối với thế gian, Chúa đến với Mẹ. Và do đó, thế gian là cớ để có Mẹ.
Ngoài ra, Mẹ được trao phó nhiệm vụ bảo trợ những người cùng khốn, như nữ trạng sư của họ. Cũng như xưa, Chúa đã quan phòng cho bà Ét-te được cất nhắc lên làm Hoàng hậu để làm trạng sư bầu chữa cho dân Do-thái, vậy chúng ta phải vững tâm chạy đến cùng Đức Trinh nữ. Vì do chức vụ, Mẹ phải lo liệu công việc của chúng ta. Vả lại, ai đã nổi tiếng là người trợ giúp kinh nghiệm, thì thiên hạ càng hy vọng vào sự trợ giúp của người ấy. Vậy Đức Mẹ là Đấng trợ giúp đầy kinh nghiệm, rất nhiều chứng tích đã xác minh điều đó. Nào có ai chạy đến với Mẹ mà Mẹ không trợ giúp ? Trong thực tế, với lòng trắc ẩn, Mẹ đã trợ giúp mọi người. Vì thế, Mẹ được ví như cây ô-liu ngoài đồng, chứ không phải trong vườn, mọi người đều có thể hưởng dùng trái tốt. Sau hết, Mẹ trợ giúp trong mọi sự : với lòng rộng rãi mênh mông, Mẹ đã cảm thương mọi người trong những cơn quẫn bách, Mẹ trợ giúp khắp nơi, và trợ giúp luôn mãi. Vì thế, có lời chép : Cho đến đời đời, Ta sẽ không ngừng trợ giúp mọi người.
Như vậy, nếu chúng ta trung thành cầu khấn Mẹ, chúng ta có thể hy vọng vào sự trợ giúp của Mẹ. Vì Mẹ rất dịu hiền và nhẫn nại đối với những ai chạy đến cùng Mẹ. Bởi thế, thánh Phao-lô nhắn nhủ : Chúng ta hãy tín nhiệm chạy đến toà ân sủng của Người. Mẹ được gọi là toà ân sủng của Thiên Chúa. Vì từ Mẹ, muôn vàn ân sủng đã được ban xuống cho loài người. Như nơi phát xuất ra án lệnh được gọi là toà án, thì nơi phát xuất ra ân sủng, cũng đáng được gọi cách chính xác là toà ân sủng. Vậy, vì sự bảo trợ của Mẹ thần thế như thế và ta có thể cậy nhờ dễ dàng, nên ta phải coi trọng sự bảo trợ của Mẹ hơn bất cứ sự bảo trợ nào khác. Chính vì thế mà hằng ngày chúng ta rước kiệu kính Mẹ, để chúng ta luôn luôn được Mẹ trên trời bảo trợ.
Xướng đáp | Hr 4,16 |
X |
Chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai ân sủng, |
* |
Để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần, (Ha-lê-lui-a). |
Đ |
Lạy Đức Trinh nữ, chúng con ngửa trông Mẹ, than thở và khóc lóc, trong lũng đầy nước mắt. * |
Bài đọc 2 (2/3)
Khi thánh Đa Minh đang cầu nguyện, Đức Trinh nữ hiện ra và tỏ cho biết là Mẹ săn sóc Dòng
Trích các trình thuật của chân phước Xê-xi-li-a, và Thánh Phụ Đa Minh.
Lần kia, sau khi thức khuya cầu nguyện ở trong nhà thờ, thánh Đa Minh lui về phòng ngủ. Người đứng cầu nguyện ở đầu phòng. Đang khi cầu nguyện, người nhìn về phía cuối phòng và thấy có ba người phụ nữ rất xinh đẹp đang đi tới : bà đi giữa có vẻ như một Nữ hoàng đáng kính, kiều diễm, uy nghi hơn hai bà kia. Một bà cầm bình nước thánh sáng đẹp, một bà cầm dùi rảy nước thánh trao cho Nữ hoàng. Nữ hoàng rảy nước và làm dấu thánh giá trên các anh em. Nữ hoàng phán : “Ta là Đấng các con cầu khẩn mỗi chiều tối. Và khi các con hát câu : Ôi, bà là trạng sự chúng con, Ta sấp mình trước Con Ta xin cho Dòng này được bảo toàn.”
Sau khi đi vòng quanh làm dấu thánh và rảy nước trên anh em, Nữ hoàng biến mất. Còn thánh Đa Minh trở về chỗ cầu nguyện. Thình lình, người được ơn xuất thần trước nhan Thiên Chúa ; người thấy Chúa Giê-su và Đức Trinh nữ, mặc áo choàng mầu lam ngọc, đứng bên hữu Chúa.
Nhìn chung quanh, thánh Đa Minh thấy tu sĩ đủ các Dòng trước nhan Chúa, nhưng không thấy tu sĩ nào thuộc Dòng mình, người liền khóc lóc nức nở, đứng xa không dám đến gần Chúa và Đức Mẹ. Lúc ấy, Đức Mẹ làm hiệu gọi người lại, nhưng người không dám tới cho đến khi Chúa cũng gọi nữa. Thánh Đa Minh tiến đến, sấp mình trước mặt Chúa và Đức Mẹ khóc lóc thảm thiết. Chúa truyền cho Đa Minh chỗi dậy, và hỏi Người : “Sao con khóc thảm thiết như vậy ?” Người thưa : “Con khóc, vì đây biết bao tu sĩ thuộc đủ mọi Dòng, nhưng không thấy ai thuộc Dòng con cả.” Chúa hỏi tiếp : “Con có muốn thấy tu sĩ Dòng con không ?” Người run rẩy thưa : “Lạy Chúa, con muốn.” Lúc đó, Đức Trinh nữ Ma-ri-a mở rộng áo choàng ra trước mặt thánh Đa Minh. Áo choàng thênh thang dường như bao phủ cả thiên đàng, và thánh nhân nhìn thấy anh chị em Dòng đông vô số, núp dưới áo Mẹ.
Thánh Đa Minh sấp mình tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, thị kiến liền tan biến. Người hồi tỉnh đúng lúc và đi báo hiệu giờ kinh đêm. Nguyện kinh đêm xong, người tập họp anh em tại công hội, giảng một bài rất sốt sắng, khuyên nhủ anh em yêu mến và tôn kính Đức Trinh nữ Ma-ri-a. Trong lúc giảng, người thuật lại cho anh em nghe thị kiến trên đây.
[Chính thánh Đa Minh đã thuật lại thị kiến này cho chị Xê-xi-li-a và các chị em khác thuộc tu viện thánh Xít-tô, làm ra vẻ như thị kiến đã xảy ra cho một ai đó, nhưng các anh em có mặt ở đó với người, và đã nghe người kể lại, thì làm hiệu cho các chị biết : đó là thị kiến của chính thánh nhân.
Tất cả những điều viết trên đây là do chị Xê-xi-li-a, chị quả quyết những điều ấy là đúng, đến nỗi nếu cần, chị sẵn sàng thề bảo đảm. Nhưng bởi chị rất thánh thiện và đạo đức, nên mọi người đều dễ dàng tin lời nói của chị. Chính chị thuật lại những điều này để tán dương và ca ngợi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và thánh Đa Minh, Tổ Phụ chúng ta, và để an ủi anh chị em. Chị Ăng-ghê-li-ca, cũng thuộc tu viện thánh nữ A-nê, đã ghi lại. Xin thông cảm cho lời văn của chị, vì chị không thành thao ngữ pháp].
Xướng đáp
X |
Lạy Đức Trinh nữ Ma-ri-a, Mẹ thật diễm phúc và rất đáng ngợi khen. |
* |
Vì Mặt trời công chính, là Đức Ki-tô, Chúa chúng con, đã từ Mẹ mọc lên. (Ha-lê-lui-a). |
Đ |
Xin Mẹ hãy chuyển cầu cho dân chúng, hãy can thiệp cho hàng giáo sĩ, hãy môi giới cho bậc thiện nữ. Ước chi tất cả những ai kính nhớ Mẹ đều cảm thấy được Mẹ trợ giúp. * |
Bài đọc 2 (3/3)
Tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha đã được tỏ lộ qua Chúa Con, và được ban cho chúng ta qua Đức Mẹ
Trích thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II.
Đức Ma-ri-a là Mẹ Hội Thánh, vì theo sự lựa chọn khôn tả của Chúa Cha hằng hữu và do tác động đặc biệt của Thánh Thần tình yêu, Mẹ đã tặng đời sống nhân loại cho Con Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc và cùng đích mọi loài. Nhờ Đấng ấy mà toàn thể dân Chúa lãnh nhận ân sủng và địa vị được tuyển chọn của mình. Khi Con thật của Đức Ma-ri-a, chịu treo trên thập giá, trối môn đệ chí thiết của mình làm con Đức Mẹ, tức là đã muốn mở rộng quyền làm Mẹ của thân mẫu.
Sau khi Chúa chúng ta lên trời, Chúa Thánh Thần đã dun dủi Mẹ ở lại nhà Tiệc Ly, chuyên chăm cầu nguyện, và cùng với các Tông đồ mong đợi ngày Ngũ Tuần, ngày mà Giáo hội xuất hiện cách hữu hình, như thể từ trong bóng tối hiện ra. Từ đó, theo gương thánh Gio-an Tông đồ, mội thế hệ tông đồ và toàn thể những người tuyên xưng và yêu mến Chúa Ki-tô, đã rước Đức Mẹ về nhà mình cách thiêng liêng, cũng theo cách thiêng liêng ngay từ ban đầu, nghĩa là từ lúc được truyền tin, người Mẹ này đã hội nhập vào lịch sử cứu độ và sứ mạng của Giáo hội.
Vì thế, hết thảy chúng ta hiện tại đang làm nên thế hệ môn đệ Chúa Ki-tô, được thúc đẩy bởi sự cần thiết của đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta mong ước được đặc biệt liên kết với Đức Ma-ri-a. Thật vậy, nếu chúng ta đặc biệt cảm thấy cần phải trở về với Chúa Ki-tô, thì hẳn chúng ta tin rằng không ai có thể dẫn đưa chúng ta vào chương trình cứu chuộc nhiệm mầu của Thiên Chúa như Đức Ma-ri-a. Không ai đã được chính Thiên Chúa dẫn đưa vào mầu nhiệm ấy như Đức Ma-ri-a. Đây mới chính là điều độc đáo của ơn làm Thiên Chúa Thánh Mẫu. Không những địa vị làm mẹ này là duy nhất và không thể tái diễn trong lịch sử nhân loại, lại cả việc tham dự vào chương trình của Thiên Chúa – xét theo chiều sâu và chiều rộng của hoạt động tham dự – cũng duy nhất nữa. Nhờ sự tham dự bằng địa vị làm Mẹ, Đức Ma-ri-a đã hiệp thông với kế hoạch cứu độ loài người bằng mầu nhiệm cứu chuộc.
Chính mầu nhiệm này, nếu được phép nói như thế, đã thể hiện nơi trái tim Đức Trinh nữ thành Na-da-rét khi Người nói lên lời Xin vâng. Từ lúc đó, trái tim Người, dưới sức tác động riêng biệt của Thánh Linh, luôn theo dõi công trình của Con mình, đón nhận tất cả những gì mà Chúa Giê-su đã và đang liên lỉ ấp ủ với tình thương vô tận. Cũng vì thế mà trái tim Đức Ma-ri-a phải được trang bị bằng một tình mẹ vô tận.
Đặc điểm của tình Mẹ thôi thúc Thiên Chúa Thánh Mẫu tha thiết với mầu nhiệm cứu độ và với đời sống của Hội Thánh ấy, được biểu lộ qua việc Đức Mẹ đặc biệt gần gũi loài người và trong những thăng trầm của loài người. Mầu nhiệm của Mẹ hệ tại điều đó. Tình yêu hằng hữu của Chúa Cha, được biểu lộ trong lịch sử nhân loại qua Chúa Con, Đấng mà Chúa Cha ban tặng để ai tin vào Người thì không phải hư vong, nhưng được sống muôn đời. Tình yêu ấy được ban cho chúng ta qua người mẹ này, và với cách thức đó, tình yêu ấy nhận được những dấu chỉ phù hợp và dễ hiểu hơn đối với mỗi người.
Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Ma-ri-a, đặc biệt như là Mẹ Hội Thánh đang ngự trên trời, để khi cầu nguyện như thế trong Mùa Vọng mới của nhân loại, Mẹ khấng ở với chúng ta, là những người đang kết thành Hội Thánh, tức nhiệm thể của Con Một Người. Chúng ta hy vọng rằng nhờ lời cầu nguyện đó, chúng ta được nhận lấy Thánh Thần xuống trên chúng ta, và qua cách thức này, chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa Ki-tô đến mút cùng trái đất, giống như những vị đã ra khỏi nhà Tiệc Ly thành Giê-ru-sa-lem trong ngày lễ Ngũ Tuần vậy.
Xướng đáp | x. Ga 19,26.27 |
X |
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng gần thập giá, Đức Ki-tô nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : |
* |
“Đây là Mẹ của anh”. (Ha-lê-lui-a). |
Đ |
Kể từ giờ phút đó, người môn đệ rước Đức Mẹ về nhà mình. * |
Lời nguyện
Lạy Chúa là Đấng yêu thương và thành tín, Chúa đã đặt Dòng Giảng Thuyết dưới quyền bảo trợ của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Khi chúng con còn tại thế, Người là sức sống, sự ngọt ngào và niềm hy vọng của chúng con ; thì lúc ly trần, chúng con mong cũng được Người thương cho diện kiến Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.