Ngày 18 tháng 8
Chân phước Ma-nê, linh mục
Bào huynh Thánh Phụ Đa Minh
lễ nhớ tự do
Chân phước Ma-nê sinh tại Ca-ê-ru-ê-ga khoảng năm 1170, là anh ruột của thánh Đa Minh, đã giúp em nhiều trong việc phát triển Dòng. Ma-nê là con người chiêm niệm, thánh thiện, hiền lành, khiêm nhường, vui vẻ, bác ái, và cũng là nhà giảng thuyết nhiệt thành. Cùng với một số anh em, Người đã thiết lập tu viện thánh Gia-cô-bê tại Pa-ri năm 1217.
Từ năm 1219, vâng lời thánh Đa Minh, với tinh thần chừng mực, khôn ngoan và với gương sáng các nhân đức. Người tận lực hướng dẫn các nữ tu. Người thường cầu nguyện lâu giờ. Ma-nê qua đời năm 1235 tại đan viện thánh Phê-rô ở làng Gu-mi-en I-dan. Ngày 2-6-1834, Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI chuẩn y việc tôn kính người.
Bài đọc 2 (1/2)
Tu sĩ Ma-nê đã dày công lo liệu cho chị em đoàn tụ trong nếp sống thánh thiện
Thư thánh phụ Đa Minh gửi các nữ đan sĩ tại Ma-đơ-rít.
Tu sĩ Đa Minh, Bề trên Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết, gửi Mẹ Bề trên và toàn thể tu viện các nữ đan sĩ tại Ma-đơ-rít, chúc an khang và luôn luôn thăng tiến.
Cha hết sức vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa vì các con sống thánh thiện, nhiệt thành, và vì Chúa đã cứu chúng con thoát khỏi cảnh đời ô trọc.
Các con hãy ăn chay mà kiên trì chiến đấu theo luật lệ hợp pháp thì mới đoạt giải. Từ trước tới nay, các con không có nơi tu trì, bây giờ nhờ ơn Chúa, các con không còn thể chữa mình rằng không có nhà cửa xứng hợp để tuân giữ kỷ luật tu trì nữa.
Ngoài ra, cha muốn các con giữ thinh lặng ở những nơi cấm, nghĩa là ở nhà nguyện, nhà cơm, phòng ngủ, còn tại các nơi khác thì giữ theo luật của chị em.
Không chị em nào được ra khỏi cổng, không một người nào ở ngoài được vào, trừ Đức Giám mục và những vị có bổn phận giảng dạy hoặc kinh lý. Các con đừng xao lãng việc đánh tội và canh thức. Hãy vâng phục Bề trên, đừng nói chuyện gẫu và đừng mất thời giờ nói những chuyện phù phiếm. Vì cha không thể giúp các con về của cải vật chất, nên cũng không muốn thêm gánh nặng cho các con. Do đó, không anh em nào có quyền thâu nhận hoặc đưa các phụ nữ vào Dòng, quyền này thuộc Mẹ Bề trên cùng Hội đồng Tư vấn tu viện.
Lại nữa, cha truyền cho bào huynh rất thân yêu của cha, là tu sĩ Ma-nê, một người đã dày công khó nhọc lo liệu cho các con đoàn tụ trong nếp sống thánh thiện này, tuỳ sự xét đoán khôn ngoan của Người, quy định và sắp đặt mọi sự cho các con để các con được sống thật đạo đức thánh thiện. Tuy nhiên, cha cho Người toàn quyền kinh lý, sửa dạy, và nếu cần, giải nhiệm Bề trên, miễn là có sự đồng ý của đa số chị em trong nhà. Người cũng có quyền chuẩn chước cho các con ít nhiều điều tuỳ theo sự nhận xét khôn ngoan của người.
Thân ái chào các con trong Chúa Ki-tô.
Xướng đáp | Ga 8,12 ; Mt 16,24 |
X |
Tôi là ánh sáng cho trần gian. Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối. |
* |
Nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. |
Đ |
Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. * |
Bài đọc 2 (2/2)
Nhờ trầm lặng mà được bình an, và nhờ chiêm niệm mà tâm hồn được nâng cao
Trích thư chân phước Hum-bê-tô Rô-man, linh mục, về kỷ luật tu trì.
Anh em đừng giữ kín những điều phải nói, và cũng đừng nói ra những điều phải giữ kín. Khi định nói, trước hết hãy cân nhắc lời nói, để trình bày điều mình muốn nói cách lịch sự, nhã nhặn, thành thực và dịu dàng, vì Thiên Chúa và người ta đều gớm ghét miệng lưỡi gian dối, hống hách và nóng nảy.
Vậy anh em rất thân mến, hãy cẩn thận suy xét xem mình nói gì hoặc với ai, hoặc cách nào, hoặc chừng nào, hay ít là vì lý do nào. Kẻo vì không cân nhắc những hoàn cảnh cần thiết, mà do lời nói anh em phải hối tiếc trong lòng, hoặc ít ra cũng sinh gương mù cho người nghe. Khi anh em nói, hãy lưu ý ba điểm này : một là cử chỉ, hai là giọng nói, ba là ý nghĩa của lời nói. Cử chỉ phải đoan trang, giọng nói phải nhẹ nhàng, ý nghĩa phải luôn chân thật.
Anh em cũng đừng đấu khẩu, và khi đấu lý, cũng đừng hiếu thắng. Phải luôn luôn tránh những lời có hại hoặc cho người nói hoặc cho người nghe. Vì vậy, phải luôn luôn tránh những kiểu nói không thích hợp với phẩm cách của chính người nói, hoặc của người nghe, hoặc của người mà anh em nói tới. Cũng phải để ý tới thời gian, vì có lúc không được nói gì, có lúc nên nói đôi điều, nhưng không lúc nào được nói điều xấu, hoặc phải nói hết mọi điều tốt. Đôi khi phải thinh lặng, vì người khác đã bắt đầu nói, kẻo lỡ ra chúng ta cắt ngang lời họ. Đôi khi nên thinh lặng, vì nhận thấy người nghe chưa sẵn lòng đón nhận điều chúng ta định nói. Đôi khi nên thinh lặng, để tránh ba hoa nhiều lời, hoặc vì chúng ta chưa tìm ra lời lẽ thích hợp để trình bày điều chúng ta định nói.
Người có tuổi hãy nói về sự thận trọng khi chỉ giáo, người trẻ về sự kiên trì làm việc, người thông thái về điều bí nhiệm của Kinh Thánh, người chất phác về những gương sáng việc lành, người lo việc ngoài về sự ân cần của đời hoạt động, người sống yên tĩnh về sự ngọt ngào của đời chiêm niệm, người trên về sự quản lý của cải vật chất và thiêng liêng, kẻ dưới về sự tuân giữ mệnh lệnh.
Vậy khi chúng ta muốn nói để xây dựng chính mình, chúng ta hãy tìm người có kiến thức khả dĩ giúp chúng ta tiến đức. Còn khi chúng ta nói để xây dựng người khác, chúng ta nên hướng về những người mà chúng ta hy vọng lời khuyên của chúng ta có thể hoán cải.
Mục tiêu giảng thuyết của chúng ta là làm cho người nhút nhát trở nên kiên trì, người kiêu căng biết kính sợ, người hay phiền nhiễu hãy nên yên tĩnh, người nguội lạnh trở nên sốt sắng, người hay ồn ào trở nên trầm lặng, người trầm lặng biết mở lời khuyên răn, người cáu kỉnh trở nên hiền hoà, người biếng nhác trở nên siêng năng, người độc dữ trở nên khoan dung, người trâng tráo trở nên liêm sỉ.
Lại nữa, khi nói, anh em đừng khua chân múa tay, đừng nháy mắt, cau mày, nhăn mặt, kẻo làm cho lời nói mất sức hấp dẫn. Vậy hãy tránh lời chua chát, kiêu căng phỉ báng, dua nịnh, nguyền rủa, thề thốt, dư thừa và phù phiếm. Nếu như không được nói xấu người vắng mặt, thì cũng đừng chế diễu người hiện diện, không nhạo báng người khờ, cũng đừng ganh tị với bậc thức giả.
Anh em hãy yên lặng về những chuyện phù phiếm, nhưng hãy lên tiếng trong những vấn đề bổ ích ; trong mọi lời nói, anh em đừng để con tìm đi theo miệng lưỡi, nhưng hãy bắt miệng lưỡi phải theo con tim. Vậy khi cần nói, hãy nói vắn tắt và nói những điều hợp lý. Hãy ở trầm mặc và tránh đám đông huyên náo, vì nhờ thinh lặng mà lương tâm được thư thái, khỏi phiền muộn, giữ được bình an, và nhờ chiêm niệm mà tâm trí được dễ dàng siêu thoát. Anh em càng tránh được sự ồn ào và đa đoan thì Thiên Chúa càng ở gần anh em.
Xướng đáp | Kn 9,4-5.10 |
X |
Lạy Chúa, xin ban cho con đức khôn ngoan hằng ngự bên toà Chúa, và đừng loại con khỏi số con cái Chúa. |
* |
Vì con là tôi tớ Chúa, và là con của nữ tỳ Ngài. |
Đ |
Xin phái đức khôn ngoan từ ngai vinh hiển của Chúa, để đồng lao cộng tác với con. * |
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã muốn chân phước Ma-nê cộng tác với em mình là thánh Đa Minh trong sứ vụ giảng thuyết. Xin cho chúng con theo chân các ngài mà sốt sắng kiên trì rao giảng Tin Mừng cứu độ cho tha nhân. Chúng con cầu xin